Liên kết web
Thống kê truy cập

null Xuất hiện sâu đầu đen gây hại cây dừa

Trồng trọt
Thứ sáu, 16/04/2021, 08:42
Màu chữ Cỡ chữ
Xuất hiện sâu đầu đen gây hại cây dừa

Theo thông báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, trên cây dừa xuất hiện một loài sâu gây hại mới. Kết quả giám định của Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật, loài sâu này có tên gọi là sâu đầu đen (Black headed caterpillar).

Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker thuộc họ bướm đêm (Oecophoridae), bộ cánh vảy (Lepidoptera). Cây ký chủ gồm: Dừa, dầu cọ, chà là, quả cao, dừa kiểng và cả trên cây chuối.

Một số hình ảnh sâu đầu đen trên dừa tại Bến Tre.  Nguồn: Trung tâm BVTV phía Nam

Sâu đầu đen được tìm thấy rộng rãi ở vùng Nam Á như: Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan. Riêng ở khu vực Đông Nam Á, loài sâu hại này cũng đã được tìm thấy ở Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Sự gây hại của loài sâu này được ghi nhận đầu tiên ở Sri Lanka và Ấn Độ vào năm 1920.

Đặc điểm gây hại: Sâu ăn mặt trong của biểu bì lá, thả phân ra ngoài, được kết dính bởi sợi tơ bao bọc cơ thể ở bên trong. Sâu tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên, tấn công vỏ trái. Sâu hóa nhộng trong các lá chét, nhộng vũ hóa thành bướm và bay đi.

Thông tin từ Trung tâm Bảo vệ thực phía Nam, đến ngày 15 tháng 3 năm 2021, diện tích nhiễm sâu đầu đen trong vùng là 148 ha (146,8 ha phân bố ở 6/9 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre; 1,2 ha ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) và có khuynh hướng lây lan sang các tỉnh khác có trồng dừa. Do đây là sâu hại mới xuất hiện ở Việt Nam nên chưa có hướng dẫn phương pháp điều tra trong các Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành cũng như chưa có nhiều nghiên cứu thực tế và loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiêp Thái Lan (Plant Protection Research and Development Office Department of Agriculture, Thailand, 2017), các biện pháp quản lý sâu đầu đen đang được Thái Lan áp dụng rộng rãi bao gồm:

- Biện pháp thủ công: Cắt những tàu lá dừa bị gây hại đem ngâm chúng trong nước hoặc đốt ngay trong ngày.

- Biện pháp sinh học: Phun Bacillus thuringiensis (80 - 100 ml hòa với 20 lít nước), phun đảm bảo ướt đều lá (3 - 4 lít/cây), phun định kỳ 7-10 ngày vào buổi trưa; sử dụng thiên địch: Nhân nuôi ong kí sinh Goniozus nephantidis (Muesebeck) để khống chế sâu đầu đen.

- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Emamectin benzoat, tuy nhiên việc sử dụng hóa chất này được khuyến cáo là không sử dụng cho cây có chiều cao dưới 12m cũng như không sử dụng trên cây mang trái giai đoạn gần thu hoạch bởi vì sự tồn lưu của hóa chất./.

                   Hiếu Lê

Số lượt xem: 2597

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn