Liên kết web
Thống kê truy cập

null Thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân tại các tỉnh và thành phố phía Nam thông qua kết nối cung cầu vật tư đầu vào

Trồng trọt
Thứ ba, 23/11/2021, 09:09
Màu chữ Cỡ chữ
Thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân tại các tỉnh và thành phố phía Nam thông qua kết nối cung cầu vật tư đầu vào

Diễn đàn kết nối cung cầu vật tư đầu vào thuộc Diễn đàn kết nối nông sản 970 được tổ chức định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần; nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về vật tư đầu vào và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ vụ Đông Xuân trong điều kiện dịch Covid-19. 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại Diễn đàn.     Ảnh tác giả cung cấp

Ngày 13 tháng 11 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chứcDiễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam”, tham dự Diễn đàn gồm có: Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 và các đơn vị thuộc Bộ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Nam; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, …

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tp Báo Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Dịch bệnh Covid-19 đang tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế, đặc biệt là sự đứt gãy trong sản xuất, lưu thông hàng hóa trên toàn thế giới. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đang đối diện với hàng loạt thách thức về hạn mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 đang đặt người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước một bài toán nan giải bởi những điều kiện sản xuất khó khăn với các chi phí vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, …) tăng cao chưa từng có. Diễn đàn hy vọng có được sự đón nhận quan tâm của đại biểu bằng những tham luận, những ý kiến đóng góp, đề xuất khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất với kỳ vọng mong muốn có vụ Đông Xuân thắng lợi.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe báo cáo và tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề về vật tư đầu vào, tiêu thụ nông sản vụ Đông Xuân, cụ thể như: Tình hình sản xuất ngành trồng trọt các tỉnh Nam Bộ, vụ Đông Xuân 2021 - 2022; công tác bảo vệ thực vật, dự báo và giải pháp quản lý sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Nam; ứng dụng vi sinh vật trong xử lý rơm rạ; công nghệ sinh học cho sản xuất phân bón vô cơ; ...

Theo báo cáo đánh giá và nhận định của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thì giống, phân bón và công lao động là những yếu tố quyết định trong giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL vì chiếm gần 60% tổng chi phí. Nhu cầu lúa giống cho ĐBSCL sản xuất vụ Đông Xuân là 153.000 tấn (riêng đối với tỉnh Bạc Liêu, dự kiến diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2021 - 2022 là gần 48.000 ha, nhu cầu giống khoảng 4.800 tấn). Về nhu cầu phân bón: Đối với phân bón đơn 927.270 tấn (trong đó: Urea 297.550 tấn, Lân 552.720 tấn, Kali (KCl) 77.000 tấn), đối với phân bón hỗn hợp 460.380 tấn (trong đó: Urea 185.120 tấn, DAP 198.260 tấn, Kali (KCl) 77.000 tấn). Nhu cầu phân bón của Bạc Liêu: Đối với phân bón đơn khoảng 29.240 tấn (trong đó: Urea 9.390 tấn, Lân 17.450 tấn, Kali (KCl) 2.400 tấn), đối với phân bón hỗn hợp 15.600 tấn (trong đó: Urea 6.940 tấn, DAP 6.260 tấn, Kali (KCl) 2.400 tấn).

Đối với tình hình sinh vật gây hại cây trồng trong thời gian tới, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin: Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, các tỉnh phía Nam xuống giống hơn 1,6 triệu ha; khung thời vụ vào tháng 11 và 12/2021 (không gieo sạ trong tháng 01/2022 trở về sau). Đối tượng gây hại quan trọng trên cây lúa là rầy nâu sẽ di trú cao điểm vào tuần lễ thứ 3, thứ 4 hàng tháng. Các địa phương căn cứ tình hình rầy nâu vào đèn để bố trí thời điểm xuống giống thích hợp. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân quan tâm chăm sóc ruộng lúa và thăm đồng thường xuyên để quản lý tốt dịch hại, cụ thể: Đầu vụ chú ý ốc bươu vàng, cỏ dại, rầy nâu, sâu năn; giữa vụ chú ý rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, sâu năn, sâu cuốn lá; cuối vụ chú ý bệnh đạo ôn bông, cháy bìa lá và lem lép hạt.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng cho rằng: Đây là Diễn đàn kết nối cung cầu vật tư nông nghiệp đầu vào và dự báo nông sản đầu ra trong thời gian tới, đây là một trong những mong muốn lớn nhất khi triển khai Diễn đàn kết nối cung cầu nông sản. Có nhiều vấn đề chưa kết nối được chẳng hạn như giá phân bón đang tăng, điều cần làm là phải can thiệp vào việc sản xuất của mình để giảm chi phí; giá vật tư đang tăng nhưng giá lúa không tăng, vấn đề đặt ra là phải ứng phó trong tình hình này như thế nào để giảm thiệt hại cho nông dân nhiều nhất; không thể làm giảm giá phân bón thì phải có nhiều giải pháp (như: Giảm phân thông qua tính toán công thức chi tiết, sử dụng phân hữu cơ và các dòng sản phẩm tiên tiến phân vô cơ vi sinh, …) để chủ động trong vấn đề vật tư đầu vào tăng cao. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng phục vụ cho sản xuất, làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với điều kiện của địa phương cung ứng cho nông dân với mức giá hợp lý./.

Nguyễn Văn Bo

Số lượt xem: 2239

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn