Liên kết web
Thống kê truy cập

null Thành tựu 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực

Trồng trọt
Thứ ba, 02/06/2020, 11:27
Màu chữ Cỡ chữ
Thành tựu 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực


Tỷ lệ sử dụng lúa chất lượng cao (giống lúa thơm, đặc sản) và lúa giống cấp xác nhận ngày càng tăng, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, gạo. Năm 2019, diện tích lúa chất lượng cao 178.367 ha (chiếm 94,30% diện tích gieo trồng và tăng 24,21 % so với năm 2008); diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhận 125.050 ha (chiếm 66,11% diện tích gieo trồng và tăng 7,06% so với năm 2008).
                                               Cánh đồng mẫu lớn.        Ảnh: Phan Thanh Cường
 
Các quy trình kỹ thuật canh tác như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa, sản xuất theo hướng VietGAP đã được nông dân áp dụng rộng rãi, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm; công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn tạo giống lúa có năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, phèn và phù hợp với khu vực cuối nguồn nước ngọt, khu vực gần các cống ngăn mặn cũng được quan tâm nghiên cứu, thời gian qua đã chọn được 28 giống lúa có năng suất, chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 28 cánh đồng lớn,với diện tích canh tác 17.932 ha; có trên 40 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại lý trong và ngoài tỉnh đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa năm 2019: 53.474 ha (tăng từ 0,47% năm 2012 lên 28,27% diện tích gieo trồng năm 2019), sản lượng lúa được bao tiêu 338.254 tấn (tăng từ 0,4% năm 2012 lên 29,47 % tổng sản lượng lúa năm 2019).
Toàn tỉnh có 49 nhà máy xay xát lúa và lau bóng gạo xuất khẩu, với tổng công suất xay xát 3.376 tấn/ngày, lau bóng 96 tấn/ngày; thực hiện cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp: Toàn tỉnh có 3.751 máy cày các loại, 250 máy gặt đập liên hợp, 78 máy suốt lúa, 50 lò sấy lúa, 87 máy gieo sạ, 24.546 bình phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 24.000 máy bơm nước; 50 lò, máy sấy nông sản. Đối với sản xuất lúa mức độ cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm nước; 10% khâu gieo sạ; 85% khâu phun thuốc bảo vệ thực vật; 84% khâu thu hoạchvà 90% sản lượng lúa được sấy.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện có 01 công trình đê biển dài 52,4 km;hệ thống đê sông dài 379 km và bờ bao dài 2.940 km; 102 cống tưới, tiêu; 06 công trình kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và khu dân cư, trung tâm thị trấn; 33 kênh trục và kênh cấp 1 dài 720 km;304 kênh cấp 2 dài 1.616 km; 753 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.736 km và 3.141 kênh cấp 3, kênh nội đồng dài 3.402 km; xây dựng 31 trạm bơm điện và 269 ô thủy lợi khép kín (diện tích mỗi ô 30-70 ha); trong 10 năm qua, đã thi công nạo vét 5.015 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng với tổng chiều dài 9.090 km, khối lượng 75,73 triệu m3, tổng vốn đầu tư 983,15 tỷ đồng. Nhìn chung, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kênh trục, kênh cấp I và kênh cấp II đối với Tiểu vùng giữ ngọt ổn định và Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, riêng đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A thì còn hạn chế. Các công trình thủy nông nội đồng mới đáp ứng khoảng 90 - 95% đối với Tiểu vùng giữ ngọt ổn định, khoảng 80 - 85% đối với Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A và khoảng 75 - 80% đối với vùng Nam Quốc lộ 1A.
Trong quá trình thực hiện Đề án “An ninh lương thực” trên địa bàn tỉnh đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế: Nền nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững; sản xuất còn phân tán, manh mún; việc chuyển dịch cơ cấu còn chậm; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến xây dựng vùng nguyên liệu, nên việc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ. Hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chậm phát triển, hiệu quả hoạt động chưa cao do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp(về thuế, tín dụng, tiêu thụ nông sản hàng hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng, ...); công tác dự báo thị trường hỗ trợ định hướng cho người sản xuất còn bất cập.
Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững, góp phầnđảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và nhu cầu sử dụng lương thực trong tỉnh, một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, trong thời gian tới cần tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh, tích hợp nội dung các quy hoạch ngành, lĩnh vực vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.600 ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tômlúa đạt 45.000 – 60.000 ha ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ, từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm). Phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu (Tài nguyên, Một bụi đỏ,...).
Tập trung xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững; xây dựng mối liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu lúa giống phục vụ sản xuất.
Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao(chịu hạn, chịu ngập và chịu mặn). Đầu tư, xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh trên cây trồng,...đồng thời xây dựng các phương án tổ chức ứng phó kịp thời.
Đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hộ gia đình, cá thể trong công tác phát triển kinh tế hộ, cá thể; liên kết với một số doanh nghiệp, các hợp tác xã để liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ gia đình.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các chính sách tín dụng để đầu tư phát triển nông nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Tranh thủ hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; xúc tiến đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng.
Tăng cường mối quan hệ với các viện, trường đại học trong và ngoài nước về hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; tích cực tham gia hội chợ, triển lãm khoa học, công nghệ để tiếp thu các công nghệ mới có thể áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương. Khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp./.

Số lượt xem: 465

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn