Về nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản:
Lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2015:
- Đối với nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh:
Đối với tôm sú: Thời gian thả giống từ tháng 02 đến tháng 8/2015, mật độ thả khuyến cáo dưới 20 con/m2. Địa bàn nuôi (thành phố Bạc Liêu; các huyện Hòa Bình, Đông Hải; một phần của huyện Giá Rai và Vĩnh Lợi).
Đối với tôm thẻ chân trắng: Thời gian thả giống từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2015, mật độ thả khuyến cáo dưới 100 con/m2. Địa bàn nuôi (thành phố Bạc Liêu; các huyện Hòa Bình, Đông Hải; một phần của huyện Giá Rai và Vĩnh Lợi).
- Đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến chuyên tôm: Thời gian thả giống từ tháng 02 đến tháng 9/2015, mật độ thả khuyến cáo từ 08-10 con/m2. Địa bàn nuôi (thành phố Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi).
- Đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến kết hợp: Thời gian thả giống từ tháng 11/2014 đến tháng 8/2015 (trên địa bàn thành phố Bạc Liêu; các huyện Đông Hải, Hòa Bình và Vĩnh Lợi) và từ tháng 12/2014 đến tháng 9/2015 (trên địa bàn các huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân), mật độ thả khuyến cáo từ 1-3 con/m2.
- Đối với hình thức nuôi luân canh tôm sú - lúa: Thời gian thả giống tôm sú từ tháng 02 đến tháng 3/2015, mật độ thả khuyến cáo từ 1-3 con/m2; thời gian sạ, cấy lúa từ tháng 9 đến tháng 10/2015 (đối với giống lúa ngắn ngày) và từ tháng 8 đến tháng 9/2015 (đối với giống lúa dài ngày), trên địa bàn huyện Hồng Dân và một phần của huyện Phước Long.
- Đối với hình thức nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa: Thời gian thả giống tôm càng xanh từ tháng 7 đến tháng 8/2015, mật độ thả khuyến cáo từ 1,5-2 con/m2; thời gian sạ, cấy lúa từ tháng 9 đến tháng 10/2015 (đối với giống lúa ngắn ngày) và từ tháng 8 đến tháng 9/2015 (đối với giống lúa dài ngày) trên địa bàn các huyện Phước Long, Giá Rai và Hồng Dân.
Biện pháp điều tiết nước:
- Đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A: Riêng khu vực huyện Giá Rai, Phước Long với diện tích khoảng 32.000 ha đất chuyên nuôi trồng thuỷ sản là nơi luôn có yêu cầu cung cấp nước mặn sớm và gặp khó khăn hơn các huyện khác, do đó:
Đầu tháng 12 đến 15/12/2014 sẽ thực hiện lấy nước mặn vào nuôi tôm, ở các cống nhỏ vùng mặn (Cây Gừa, Khúc Tréo, Sư Son, Nhàn Dân và Láng Trâm), nước mặn được khống chế không cho vượt qua kênh số 2 (cách ngã tư Phó Sinh gần 5 km), đến 30/12/2014 cho nước mặn (4‰) không vượt qua ngã tư Phó Sinh, tiến hành thu hoạch trà lúa trên đất tôm vào đầu tháng 01 và giữa tháng 02/2015 (đề phòng triều cường xuất hiện với đỉnh cao nhất trong năm đạt mức + 2,18 m (vượt báo động 3) tại Gành Hào vào khoảng 3 giờ ngày 24/12/2014). Thời điểm này, trên địa bàn huyện Giá Rai còn 225 ha lúa trên đất tôm chưa thu hoạch, trong đó có 70 ha lúa ngắn ngày (dự kiến thu hoạch dứt điểm 20/12/2014) và 155 ha lúa dài ngày (dự kiến thu hoạch dứt điểm vào 05/01/2015); đồng thời, trên địa bàn huyện Phước Long, Hồng Dân còn 8.268 ha lúa ngắn ngày (dự kiến thu hoạch dứt điểm ngày 20/01/2015) và khoảng 21.338 ha lúa dài ngày (dự kiến thu hoạch dứt điểm ngày 15/02/2015).
Để hạn chế vấn đề thiếu nước mặn ở xã Phong Thạnh, Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai; năm 2014 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư nạo vét 2 kênh cấp II (Láng Phèn, xã Phong Thạnh; Út Lời, xã Phong Thạnh Tây) và huyện Giá Rai cũng đã đầu tư nạo vét 6 tuyến kênh cấp III vượt cấp (4 tuyến ở xã Phong Thạnh A; 2 tuyến ở xã Phong Thạnh) đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân.
Mặt khác, năm 2014 cống Cây Gừa và cống Nhàn Dân phải chặn dòng để thi công, nên phần nào ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho khu vực này, đến mùa khô năm 2014 - 2015 các cống này được vận hành, với quy mô lớn hơn nhiều so với cống cũ, sẽ khắc phục tình trạng thiếu nước như thời gian qua.
Khu vực chuyên tôm phía Bắc Quốc lộ 1A, thời điểm bắt đầu thả giống cuối tháng 01, đầu tháng 02/2015 và kết thúc thời vụ cuối tháng vào 7/2015, sẽ cố gắng không cho nước mặn ảnh hưởng đến diện tích lúa Đông Xuân và Hè Thu ở hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Những ngày cuối tháng 01, đầu tháng 02/2015 thu hoạch trà lúa trên đất tôm (khoảng 15 ngày trước khi thu hoạch) bắt đầu lấy nước ở các cống lớn (Giá Rai, Hộ Phòng) phục vụ cho NTTS khu vực chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.
Việc lấy nước mặn vào những ngày nước triều cường biển Đông (mỗi đợt từ 4 đến 5 ngày) và không trùng với ngày triều cường biển Tây. Trong thời gian nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A (tháng 3 đến tháng 4/2015) có thời điểm không thể lấy nước mặn vào những ngày triều cường ở các cống lớn (Giá Rai, Hộ Phòng), mà chỉ xổ nước ra một chiều, vì lúc này có khả năng nước mặn vượt qua Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, ảnh hưởng đến sản xuất lúa Đông Xuân, Hè Thu vùng ngọt ổn định của 3 tỉnh, gây ra hiện tượng thiếu nước mặn cho khu vực nuôi tôm, tập trung chỉ đạo các hộ nuôi trồng thuỷ sản có kế hoạch bơm trữ nước mặn vào ao lắng, đầm, vuông và chủ động trong sản xuất.
- Đối với nuôi thuỷ sản ở phía Nam Quốc lộ 1A: Hệ thống công trình cấp và thoát nước chủ yếu là kênh cấp I, cấp II tạo nguồn, lấy nước vào khu vực nuôi tôm một phần tự chảy và phần lớn dùng máy bơm nhỏ lẻ của từng hộ sản xuất. Khi điều tiết nước mặn cho nuôi trồng thuỷ sản khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A, cũng là lúc các hộ nuôi tôm phía Nam quốc lộ 1A tiến hành lấy nước để nuôi tôm.
Nước ngọt phục vụ cho lúa Đông Xuân, Hè Thu (tập trung vùng ngọt ổn định):
Đối với lúa Đông Xuân:
Dự báo sẽ bị thiếu nước ngọt và nước mặn xâm nhập vào thời điểm cuối tháng 02, tháng 3 và tháng 4/2015.
- Nguyên nhân nước mặn xâm nhập: Cuối tháng 02 đến đầu tháng 5/2015 nước mặn có độ mặn cao (15 đến 25%o) nằm sẵn trong vùng chuyển đổi của tỉnh Bạc Liêu (vùng chuyên tôm và tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A). Lúc này là thời kỳ mùa khô không có mưa, nước ngọt từ sông Hậu về ít (mực nước ngọt tại ngã tư Ninh Quới đạt £ + 0,10 m và có khả năng âm), nên những ngày nước triều cường biển Tây chảy vào thông qua sông Cái Lớn và các kênh ở huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang, cùng với triều cường biển Đông thông qua các cống ở tỉnh Cà Mau, đặc biệt âu thuyền Tắc Thủ nước mặn sẽ theo kênh Trắc Băng đẩy khối nước mặn có sẵn trong khu vực lên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và luôn có xu thế tiến về phía Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
- Biện pháp khắc phục:
Điều chỉnh lịch vận hành cống đầu mối (khi cần thiết): Lấy nước mặn vào sớm hơn, không trùng với ngày nước triều cường biển Đông và biển Tây, xổ nước ra ở các cống lớn vùng mặn (Giá Rai, Hộ Phòng) để hạ thấp đầu nước mặn, hạn chế mặn lấn sâu lên ranh giới hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Tháng 3, tháng 4/2015 (hiện nay chưa có Bảng thuỷ triều năm 2015 nên chưa định được ngày, giờ cụ thể). Tuy nhiên, vào những ngày triều cường biển Đông (1 tháng 02 lần, mỗi lần 5 ngày) không mở cống lớn Giá Rai, Hộ Phòng lấy nước mặn vào, mà chỉ đóng cống, hoặc xổ nước ra một chiều, những ngày triều kém và triều trung bình mở cống lấy nước mặn vào.
Tiếp tục phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau trong công tác đo đạc, quan trắc, thông tin tình hình xâm nhập mặn và vận hành cống (khi có nước trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp ngọt thì mở cống lấy nước, ngược lại thì đóng cống không cho mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng; các cống ở tỉnh Cà Mau đóng, mở như các cống Giá Rai, Hộ Phòng ở tỉnh Bạc Liêu). Trong những tháng mùa khô năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu sẽ thành lập Tổ theo dõi, giám sát diễn biến nguồn nước, chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi thuộc vùng Bắc Quốc lộ 1A và trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để có biện pháp phòng, tránh những bất lợi của nguồn nước có thể xảy ra. Thông báo cho nông dân chủ động củng cố bờ bao và bơm trữ nước ngọt trước khi nước mặn xâm nhập.
Đối với lúa Hè Thu:
Mùa mưa năm 2015, khi mực nước phía thượng lưu các cống đầu mối (phía trong đồng) ≥ + 0,35 m, thì các cống đầu mối trong vùng ngọt phải mở ra tiêu nước đệm ra, trước khi có những trận mưa lớn để đề phòng úng ngập trên diện rộng./.
Phạm Văn Mười