Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Khuyến nông-Khuyến ngư
Thứ tư, 10/02/2021, 10:07
Màu chữ Cỡ chữ
Những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Có thể khẳng định, thành công của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu trong tiến trình tái cơ cấu ngành vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động Khuyến nông, góp phần quan trọng cho Ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trước dịch tả lợn Châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn và chịu ảnh hưởng của thiên tai từ các đợt bão liên tiếp gây mưa lớn cùng nước biển dâng làm ngập úng trên diện rộng, bên cạnh đó, dịch bệnh CoVid-19 diễn biến phức tạp và thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, …. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mà nông dân đã kịp thời nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thông tin kịp thời về thị trường nông sản, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững, … Phát huy đúng tinh thần xung kích của khuyến nông, góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp giúp cho Ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Hội nghị Tổng kết công tác khuyến nông năm 2020.  Ảnh: Nguyễn Văn Hưng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn còn những hạn chế, tồn tại như:

(i) Các chương trình, dự án khuyến nông nhìn chung còn phân tán, dàn trải; công tác triển khai ở một số chương trình, sự kiện, dự án còn chậm;

(ii) Hoạt động khuyến nông chưa thực sự bám sát các mục tiêu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

(iii) Còn chậm trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương; các các Viện nghiên cứu, Trường đào tạo;

(iv) Nguồn nhân lực có trình độ cao để chuyển giao khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ khuyến nông còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, do kinh phí hạn chế nên hoạt động khuyến nông chỉ mới tập trung hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, mà chưa chú trọng nhiều đến các đối tượng nông hộ sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, thương lái, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân một cách hiệu quả, bền vững.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác khuyến nông năm 2020, đồng chí Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đề nghị trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Thay đổi tư duy và cách tiếp cận, từ khuyến nông giữ vai trò “hỗ trợ” sang khuyến nông giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kết nối giữa sản xuất và thị trường). Phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động: Từ các mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin - tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần quan tâm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Cán bộ khuyến nông cần được trang bị bổ sung những kỹ năng như: Công nghệ thông tin, kiến thức về liên kết sản xuất, thị trường, hội nhập, biến đổi khí hậu, ... Cần xem yếu tố “con người” là nhân tố quyết định đến sự thành công của việc đổi mới khuyến nông, góp phần giải quyết khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

2. Tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các ban, ngành, đoàn thể và địa phương để thống nhất từ công tác quản lý, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện được liên thông, xuyên suốt; phối hợp tốt với các Viện, Trường, các tổ chức phi chính phủ, cộng tác viên khuyến nông và doanh nghiệp, … để chủ động tiếp nhận, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để chuyển giao kịp thời vào thực tiễn sản xuất.

3. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp để hoạt động khuyến nông tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu Ngành. Từ mô hình tốt, gương điển hình trong sản xuất hiệu quả cao, phát động thành phong trào phổ biến, nhân rộng. Để thực hiện được, cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp.

4. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền tới các địa phương và nông dân chủ chốt tại các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm; tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo gắn với nhu cầu sản xuất thực tiễn và kết nối thị trường đến tận vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tích cực phối hợp với các cơ quan báo đài để đổi mới hoạt động thông tin tuyên truyền của khuyến nông theo hướng chủ động, sáng tạo và hiệu quả.

5. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông theo liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong và ngoài nước vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (nhất là các loại cây, con giống, ...), cung ứng các loại vật tư theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ. Chú trọng các sản phẩm có thị trường tốt nhằm tạo sự chuyển biến, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên phạm vi rộng.

6. Tăng cường khai thác, huy động các nguồn lực thông qua hợp tác quốc tế, hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông để học tập, trao đổi những kinh nghiệm hay và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa công tác khuyến nông; tăng cường thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm.

7. Phát huy vai trò khuyến nông là “cầu nối”, tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao; tổ chức tập huấn, tham quan, giúp nông dân tiếp cận và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao để làm đầu mối liên kết và xây dựng các thương hiệu sản phẩm công nghệ cao./.

Nguyễn Văn Hưng

Số lượt xem: 6091

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn