Những cây trồng, vật nuôi chủ lực để thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” tỉnh Bạc Liêu
Để thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” tỉnh Bạc Liêu đã lựa chọn những cây trồng, vật nuôi chủ lực và có triển vọng phát triển. Về thủy sản: Đối tượng chủ lực gồm con tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cua biển, nhuyễn thể (nghêu, sò, v, v, …); đối tượng có khả năng phát triển là các loại cá nước mặn, lợ, ngọt, tôm càng xanh; giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; khai thác thủy sản gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả năng xuất khẩu như tôm, mực, bạch tuộc, cá thu, cá chim và nhóm cá nổi lớn. Về trồng trọt: Đối tượng chủ lực là cây lúa (lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản địa phương) và rau, đậu thực phẩm (rau, đậu các loại, măng tây, ngò rí, v, v, ...); đối tượng có khả năng phát triển là cây ăn trái (chuối, nhãn, xoài, dừa, v, v, ...), cây nấm (nấm ăn và nấm dược liệu); cây bắp (bắp nếp dùng để ăn và bắp lai dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi) và cây đậu nành (BC 19, MTD 760-4, DT84, giống biến đổi gen, v, v, ...). Về chăn nuôi: Đối tượng chủ lực gồm heo, gia cầm (gà, vịt) và bò; đối tượng có khả năng phát triển là cá sấu và chim yến. Về lâm nghiệp: Nhóm cây trồng chủ lực là mắm biển, đước, đưng, cóc trắng, v, v, ... (rừng phòng hộ ven biển); tràm, bạch đàn, v, v, ... (rừng sản xuất); tràm, bạch đàn, phi lao, sao, dầu, bằng lăng, v, v, ...(rừng phòng hộ môi trường). Về diêm nghiệp là muối thực phẩm chất lượng cao.
Ảnh minh hoạ
Với định hướng phát triển sản xuất với các đối tượng chủ lực tôm, lúa, cua, nhuyễn thể, v, v, ... là sản xuất theo chuỗi (từ trang trại đến bàn ăn); thực hiện đồng bộ cả liên kết ngang (liên kết giữa các hộ nông dân để thành lập HTX, THT) và liên kết dọc (giữa tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu) để gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ chế, chính sách, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (theo cơ chế đặt hàng đối với các nhà khoa học) để hỗ trợ có hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện hợp tác, liên kết trong sản xuất lúa, bình quân mỗi năm thực hiện khoảng 12.000 ha (03 doanh nghiệp tham gia gồm Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Lương thực Bạc Liêu và doanh nghiệp tư nhân Năm Điều); đối với lĩnh vực chăn nuôi có 02 trang trại chăn nuôi heo 2.300 con heo (Công ty Cổ phần CP VIệt Nam) và năm 2015 bước đầu triển khai đối với nuôi trồng thủy sản được 200 ha (Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú).
Thực tế sản xuất theo chuỗi cho thấy chỉ chiếm từ 1 - 6% sản lượng của từng loại sản phẩm lúa, tôm, heo. Đây đang là trở ngại và là một thách thức của ngành, hướng tới cần phải tập trung chỉ đạo phát triển theo chuỗi giá trị để gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, nâng cao vai trò của doanh nghiệp đối với phát triển theo chuỗi giá trị.
Kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo yêu cầu cho xuất khẩu vào những thị trường khó tính và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, cần tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đã ban hành như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, v, v, ...
Ngành nông nghiệp đã và đang kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư mà điển hình là Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Lộc đã đầu tư nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Lộc và liên kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân; Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú liên kết nông dân huyện Đông Hải sản xuất tôm sạch. Phối hợp cùng với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh để xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đầu tư và tiêu thụ sản phẩm của người dân./.