Liên kết web
Thống kê truy cập

null Một số lưu ý trong quản lý tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh trong những tháng đầu vụ

Kinh nghiệm nhà nông
Thứ ba, 26/05/2015, 10:09
Màu chữ Cỡ chữ
Một số lưu ý trong quản lý tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh trong những tháng đầu vụ


 Quản lý màu nước:

 

Màu nước ao nuôi phụ thuộc rất lớn vào thức ăn tự nhiên (thực vật phù du, động vật phù du, v, v, …) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm, nhất là giai đoạn tôm nhỏ. Do thức ăn tự nhiên có kích thước nhỏ, chứa nhiều axit amin tự do, cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài giá trị dinh dưỡng, thức ăn tự nhiên còn góp phần làm cho môi trường nuôi được ổn định và giảm sự phát triển của tảo đáy. Hệ thức ăn tự nhiên trong ao phát triển phụ thuộc việc gây màu nước trước khi thả tôm giống và duy trì màu nước trong quá trình nuôi.

 

Hiện nay có rất nhiều phương pháp gây nuôi và duy trì màu nước cho ao nuôi tôm. Trong đó, sử dụng một số loại chế phẩm vi sinh được phép lưu hành trên thị trường kết hợp phân vô cơ (NPK, Urea, v, v, …) hoặc bột ngũ cốc lên men để gây màu nước là những phương pháp gây màu nước tốt, gia tăng nhanh chóng lượng thức ăn tự nhiên.

 

Điều chỉnh và sử dụng thức ăn công nghiệp

 

Thức ăn công nghiệp được xem là nguồn cung cấp chính các chất dinh dưỡng, một số khoáng chất, axit amin cho tôm nuôi trong suốt vụ nuôi. Thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng protein, chất béo, chất xơ, v, v, … giúp tôm sử dụng hiệu quả, kích thích tăng trưởng. Thức ăn công nghiệp cho tôm giai đoạn đầu có kích thước rất nhỏ, hàm lượng đạm cao, dễ bị hòa tan trong nước, vì vậy, tôm chỉ sử dụng được một lượng rất nhỏ. Trong thời gian đầu, người nuôi tôm thường xuyên theo dõi màu nước để ước lượng thức ăn tự nhiên trong ao nuôi, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn công nghiệp cho tôm ăn phù hợp. Sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm ăn với nguyên tắc chia nhỏ lượng thức ăn và cho ăn nhiều lần trong ngày, nên cho ăn 4 – 5 lần/ngày (vào lúc 6 – 7 giờ, 10 – 11  giờ, 16 – 17 giờ, 20 – 21 giờ, 23 – 23 giờ 30 phút). Tôm có tập tính ăn nơi nước sạch, vì vậy khi cho tôm ăn cần rải thức ăn vào khu vực sạch trong ao nhiều hơn các khu vực khác để giúp tôm sử dụng thức ăn triệt để hơn.

 

Sau khi tôm nuôi được 1 tháng tuổi, cho thức ăn vào sàn ăn để tôm làm quen và kiểm soát thức ăn tránh dư thừa. Việc sử dụng sàn ăn rất quan trọng để kiểm tra lượng thức ăn, phản ánh khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng sức khỏe tôm nuôi, điều kiện đáy ao nuôi. Sàn ăn được đặt nơi bằng phẳng cách bờ 1,5 - 2m, sau cánh quạt nước 12 - 15 m, không đặt ở góc ao, cứ 1.500 - 2.000 m2 bố trí một sàn ăn. Thức ăn cho vào sàn 1 - 2% lượng thức ăn mỗi lần.

 

Khi nuôi tôm với mật độ vừa phải từ 10 – 15 con/m2 (tôm sú), 40 – 50 con/m2 (tôm thẻ chân trắng) nếu gây màu nước tốt thì trong khoảng tuần đầu tiên không cần bổ sung thức ăn công nghiệp. Trường hợp nuôi với mật độ cao hơn, lượng thức ăn tự nhiên không đủ cung cấp cho tôm thì thức ăn công nghiệp bổ sung cho tôm là cần thiết. Bổ sung vitamin, khoáng chất, sản phẩm men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức khỏe cho tôm. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn sau 2,5 – 1,5 giờ (tùy theo cỡ tôm) khi cho tôm ăn, nếu thức ăn vừa hết là lượng thức ăn vừa đủ để cung cấp cho tôm nuôi./.

 

Trần Thanh Thiện

Số lượt xem: 299

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn