Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn liên tục kéo dài, lượng mưa giảm dẫn đến nông dân không đủ nước ngọt để rửa mặn. Hơn nữa, việc lấy nước mặn vào nuôi tôm trong thời gian dài đã khiến tình trạng đất ruộng bị nhiễm mặn ngày càng cao. Trong khi đó, người dân cải tạo vuông nuôi tôm để canh tác lúa chủ yếu dùng nước mưa để rửa mặn nên rất phụ thuộc vào thời tiết. Đồng thời, bà con nông dân rửa mặn chủ yếu ở lớp đất mặt nên hiệu quả rửa mặn chưa triệt để dẫn đến cây lúa dễ bị chết trong giai đoạn mới sạ nếu gặp thời tiết nắng nóng kéo dài làm giảm năng suất lúa. Trong canh tác lúa trên đất nuôi tôm, việc rửa mặn đúng kỹ thuật, kịp thời và gieo sạ đúng cách, đúng thời điểm là yếu tố quyết định sự thành công.

Ruộng sản xuất tôm – lúa. Ảnh Phan Thanh Cường
1. Xác định mùa vụ gieo sạ phù hợp
Thời điểm chọn gieo sạ nên tiến hành khi nước ngoài sông, kinh đã ngọt lại, tốt nhất là sau khoảng thời gian “hạn bà chằn”. Hằng năm, đợt hạn này thường xảy ra khoảng tháng 7 - 8 dl, tùy từng năm mưa sớm hay trễ, do đó thường xuống giống lúa tôm tốt nhất khoảng tháng 9 - 10 dl sau đợt hạn để không bị nắng nóng tác động ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa trong thời điểm mới sạ.
2. Rửa mặn
Cây lúa chỉ sinh trưởng và phát triển được bình thường ở độ mặn dưới 3‰ nên cần phải rửa mặn triệt để cho mặt đất ruộng trước khi sạ cấy. Có 4 biện pháp rửa mặn chủ yếu sau:
- Thủy lợi:
Dùng nước ngọt từ kênh rạch và tranh thủ nguồn nước mưa để rửa mặn. Trước khi bơm nước ngọt vào rửa mặn bà con nông dân cần xổ cạn đến khô nước trên bề mặt ruộng, hoặc xổ khô cả lòng mương nếu nước còn quá mặn; sau đó cho nước ngọt vào ngập mặt ruộng khoảng từ 20-30 cm ngâm qua 2 đến 3 đêm nhằm tạo điều kiện cho lượng muối còn trong đất hòa tan vào trong nước ngọt, sau đó xổ nước bỏ ra ngoài vuông và cứ tiếp tục lập lại khoảng 3 lần cho đến khi nước trong vuông ngọt hoàn toàn, nhằm hạn chế trường hợp rửa mặn chưa đảm bảo khi bà con gieo sạ gặp thời tiết nắng nóng kéo dài cây lúa sẽ bị héo và chết. Hiện tượng này đã xảy ra và từng gây hại nặng cho các vụ lúa trên đất tôm vừa qua ở tỉnh ta.
- Cơ học: Xới đất giúp tránh hiện tượng mao dẫn các muối từ tầng dưới lên tầng mặt; đồng thời cày xới giúp đất tơi xốp, tăng khả năng thấm rút nước giúp cho việc rửa các muối trong đất được dễ dàng. Tuy biện pháp cày xới đất không phải là một giải pháp lâu dài nhưng nó có thể giúp cải thiện điều kiện bất lợi của đất mặn nhằm nâng cao năng suất cây trồng.
- Biện pháp dinh dưỡng
+ Đất nhiễm mặn là hiện tượng trong đất có chứa nồng độ cao của những dung dịch muối trong đó cao nhất là muối natri clorua. Bà con nên cần phải bón vôi với liều lượng 1 - 2 tấn/ha để gia tăng hiệu quả rửa mặn. Ngoài ra, bón vôi cho lúa có khả năng điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thu và vận chuyển muối- từ rễ vào thân cây, do đó gia tăng khả năng chống chịu mặn. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, còn với đất mặn không có phèn nên bón vôi CaCO3.
+ Dùng phân bón có kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây từ đó hạn chế sự thu hút Na+vào cây, hạn chế độc do Na+.
+ Cần ưu tiên sử dụng phân đạm gốc amon ( NH4+) để hạn chế độc Na+ và dạng phân lân dễ tiêu như super lân, lân trong DAP, MAP, MKP... để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây.
+ Phun phân bón lá vào các giai đoạn sinh trưởng khác nhau cũng giúp cho cây lúa đủ sức vượt qua được tác hại do mặn gây ra khi bộ rễ không hút đủ dinh dưỡng, đồng thời cũng làm tăng khả năng chống chịu điều kiện bất thuận như nóng, hạn (gồm cả hạn sinh lý) do mặn gây ra.
Tóm lại: Để rửa mặn hiệu quả bà con phải kết hợp cả 3 biện pháp rửa mặn như trên: Trước tiên, bón lót vôi đều trên mặt ruộng với liều lượng bón tùy thuộc vào độ mặn trong vuông bà con sử dụng vôi dao động từ 1 đến 2 tấn/ha. Sau đó bà con nên tiến hành xới đất nhằm giúp vối đảo đều trong đất nhưng không cần phải lấp vôi quá sâu vì chủ yếu dùng vôi để cải tạo lớp đất mặt và vùng đất quanh rễ cây trồng. Sau đó bơm nước ngọt vào ngập mặt ruộng 2 - 3 tất ngâm khoảng 2 - 3 đêm, sau đó xổ ra và tiếp tục bơm nước ngọt vào ngâm và xổ ra 3 lần cho đến khi nước ngọt hoàn toàn.
3. Chọn giống
- Đối với vùng có lượng nước ngọt về trễ, nước mặn xậm nhập sớm, đất bằng phẳng nên chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 - 100 ngày như lúa lai HR 182 do cty giống cây trồng Miền Nam sản xuất, lúa thuần OM 4900, OM 3242, OM 5953, OM 2517, OM 1490…
- Đối với vùng có lượng nước ngọt về sớm, vùng trũng, nước mặn xâm nhập trễ nên chọn những giống dài ngày như lúa mùa 1 bụi đỏ, lúa lai BTE1…
4. Phương pháp gieo sạ
- Lúa sạ: (khuyến cáo sạ thưa hoặc dùng dụng cụ sạ hàng để sạ là tốt nhất).
+ Đối với nhóm giống thuần ngắn ngày lượng giống gieo sạ khoảng 100 - 120 kg/ha.
+ Đối với nhóm giống lúa lai khoảng 40 - 50 kg/ha.
+ Đối với giống lúa mùa một bụi đỏ khoảng 60 - 80 kg/ha.
Lưu ý: Sau khi sạ phải canh chừng không để nước bùn ngập mặt ruộng hay hạt giống, giống sẽ bị “nín”. Khi được 3 - 5 ngày, nếu trời không mưa thì bơm nước ngọt ngoài kênh cho lên từ từ theo chiều cao cây lúa nhưng không nên ngập đọt. Nhất là nước đục thì càng cấm kỵ, còn trời mưa lớn phải xem nước ruộng có bị đục không để bơm tháo ra, kịp thời cứu lúa. Trường hợp gặp kỳ nắng hạn đặc biệt gay gắt, để cứu lúa mới sạ, có thể dùng cả nước kinh có độ mặn dưới 3‰ bơm lên ruộng giúp cho lúa chống lại cái nóng và độ mặn còn lại trong đất, sau đó có mưa thì phải rửa ngay sẽ không ảnh hưởng đến cây lúa.
5. Điều chỉnh nước
- Trước khi sạ nên tháo khô nước 1 - 2 ngày, đối với lúa cấy chỉ để nước trên ruộng 3 - 5 cm là vừa.
- Sau khi sạ nếu thấy có khả năng mưa to, nên đưa nước vào ruộng ngập hạt lúa để hạt giống không bị chết do vùi trong lớp bùn trên ruộng.
- Sau khi sạ, cấy 7 - 10 ngày, nâng mực nước lên dần theo chiều cao cây lúa giữ ở mức 3 - 5cm.
- Sau khi sạ, cấy 30 ngày, giữ mực nước khoảng 10 cm so với mặt ruộng những ruộng có nuôi tôm càng xanh có thể nâng lên 15cm nhưng tránh ngập cổ lúa làm cho cây lúa bị suy yếu.
- Khi lúa nẩy chồi giao tán (cuối kỳ đẻ nhánh) rút cạn nước ruộng 3 - 5 ngày để các khí độc trong đất (NH3, H2S, CH4,…) được thoát ra tạo điều kiện háo khí giúp tăng khả năng hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất nên quá trình khoáng hóa xẩy ra nhanh chóng hơn, đồng thời kích thích rễ ăn sâu vào đất hấp thu nhiều dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã về sau.
- Sau đó cho nước vào ngập ruộng để chuẩn bị bón phân nuôi đòng.
6. Bón phân
- Đối với lúa sạ bằng các giống ngắn ngày: bón lân khoảng 250 - 300 kg/ha, urea 50 - 80 kg/ha, phân NPK (20 - 20 - 15) 80 - 100 kg/ha.
- Đối với lúa sạ bằng giống lúa lai: bón DAP khoảng 200 kg/ha, urea 160 kg/ha, phân KCL 180 kg/ha.
- Đối với lúa sạ bằng giống lúa mùa một bụi đỏ: bón lân khoảng 250 - 300 kg/ha, urea 40-50 kg/ha, phân NPK (20.20.15) 50-80 kg/ha.
- Bón lót: Toàn bộ lượng phân lân trước khi sạ và sau khi kết thúc quá trình rửa mặn.
- Bón thúc: Chia ra làm 3 lần bón chính (lần 1 sau khi sạ 5 - 7 ngày, lần 2 sau sạ 20 - 25 ngày, lần 3: bón phân nuôi đòng).
Lưu ý: Trong các đợt bón phân nên điều chỉnh bón phân đạm theo phương pháp so màu lá. Trên đất lúa - tôm nên tăng cường phân lân và Kali, chỉ dùng phân đạm khi thấy thật cần thiết để tránh phát sinh sâu bệnh.
8. Bảo vệ thực vật
Trồng lúa trên đất nuôi tôm không nên dùng thuốc hóa học để diệt sâu rầy khi chưa đến ngưỡng phòng trị, ngay khi thật sự cần thiết thì cũng phải hết sức thận trọng, chỉ chọn dùng những loại thuốc ít độc cho người và tôm cá, không tồn lưu lâu trong môi trường. Tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc đã bị cấm sử dụng thuộc gốc Chlor, gốc lân hữu cơ: Thiodan, basudin… Nên áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp IPM, phương pháp không dùng thuốc 40 ngày đầu sau khi gieo, dùng thuốc có nguồn gốc sinh học như nấm xanh omerta, cộng hợp 16 BTN, Abamectin, chế phẩm BT...
Thái Thị Loan