Liên kết web
Thống kê truy cập

null Một số khuyến nghị nhằm phát triển mô hình tôm – lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu

Khuyến nông-Khuyến ngư
Thứ năm, 23/07/2020, 13:50
Màu chữ Cỡ chữ
Một số khuyến nghị nhằm phát triển mô hình tôm – lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu

 

Mô hình tôm – lúa được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững ở vùng chuyển đổi, là mô hình sản xuất ít tác động xấu tới môi trường, mức đầu tư phù hợp với đa số các hộ nông dân trong vùng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, kết quả sản xuất chưa thật sự tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có của vùng, nhất là ở vụ nuôi tôm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: (i) chưa có đủ tiềm lực đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi tôm và trồng lúa, nhiều tiểu vùng còn thiếu và bị động nguồn nước ngọt phục vụ trồng lúa, chủ yếu phụ thuộc thời tiết (ii) nông dân có sự đồng thuận cao về chủ trương nhưng vẫn còn sản xuất theo lối truyền thống (iii) nông dân chưa áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, chủ yếu vẫn canh tác theo tập quán cũ, một bộ phận thiếu vốn đầu tư, ...
            
              Mô hình tôm – lúa ở huyện Phước Long.    Ảnh: Tác giả cung cấp
 
Bên cạnh đó, nguồn tôm giống chất lượng chưa được người dân quan tâm, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm, bệnh dịch trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều và tần suất gần hơn, một số tiểu vùng sản xuất chú trọng con tôm nhiều hơn cây lúa, nên hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp so với tiềm năng, nguy cơ rủi ro do bệnh dịch, sâu hại cao.
Các dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/GEF-SGP) tài trợ từ năm 2009 đến nay triển khai tại huyện Hồng Dân và huyện Phước Long đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giảm thiểu rủi ro do bệnh dịch, hạn chế tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu tới cộng đồng thông qua ứng dụng các giải pháp tổng hợp để bảo tồn, phát triển bền vững giống lúa mùa bản địa (Một bụi đỏ) chịu phèn, mặn và khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả hệ sinh thái nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng mô hình trình diễn tôm - lúa.
Dự án thực hiện rất phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cộng đồng dân cư và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương trong việc đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp với phát triển kinh nghiệm bản địa, áp dụng các biện pháp canh tác tôm - lúa theo hướng bền vững, hiệu quả, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học vùng đất nhiễm phèn, mặn có sự tranh chấp mặn ngọt trong quản lý nước, nơi dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán và xâm nhập mặn đến sinh kế của người dân.
Thành công bước đầu của các dự án đã bắt đầu thay đổi một số khâu trong tập quán canh tác cũ như: Bố trí lại công trình sản xuất hợp lý, áp dụng ương tôm giai đoạn đầu trước khi đưa ra vuông nuôi, sử dụng men vi sinh để quản lý môi trường nước, thả tôm mật độ phù hợp với điều kiện kinh tế hộ; giảm mật độ sạ lúa, bón phân hữu cơ vi sinh, giảm lượng phân N, bón cân đối giữa phân N : P : K, và chuyển hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sang sử dụng một phần thuốc trừ sâu bệnh sinh học,đây là tiền đề, là cơ sở khoa học để chuyển giao nhân rộng cho cộng đồng trên vùng canh tác tôm-lúa của tỉnh Bạc Liêu trong các năm tiếp theo.
Để mô hình này phát triển hiệu quả, bền vững, ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Nhóm chuyên gia các dự án khuyến nghị:
1. Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho vùng tôm - lúa theo hướng các ô đê bao khép kín, ưu tiên các khu vực đê bao vừa và nhỏ, kết hợp tu sửa, nâng cấp các kênh mương nội đồng và trạm bơm để đảm bảo cấp, thoát nước và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho nuôi tôm và trồng lúa trong hoàn cảnh nguồn lực chưa đủ mạnh; thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên nước dựa trên cộng đồng để sản xuất tôm - lúa bền vững.
2. Quy hoạch, quản lý và hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, lúa giống tập trung để đảm bảo cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa bản địa (Một bụi đỏ Hồng Dân) đồng thời thử nghiệm, nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn, mặn tốt như ST24, ST25 trên vùng chuyển đổi của địa phương.
3. Hỗ trợ thành lập, cũng cố, nâng cấp các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất tôm – lúa hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tài chính của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
4.Mặc dù hiện nay trình độ sản xuất của nông dân đã được nâng lên đáng kể, song trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, bệnh dịch, sâu hại đã, đang ảnh hưởng ngày càng phức tạp đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần có chính sách ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật tại chỗ như:
- Đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực kể cả cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới, góp phần từng bước “trí thức hóa nông dân”. 
- Hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, phát huy vai trò nông dân nòng cốt nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật sản xuất mà cần mở rộng ra các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với nhau và được các nhà khoa học giải đáp những khó khăn, bổ sung thêm kiến thức mới.
5. Hỗ trợ tư vấn, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị tôm – lúa thông qua việc cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và người dân hợp tác phát triển một cách hiệu quả, bền vững.
6. Có chính sách hỗ trợ thử nghiệm các mô hình sản xuất tôm- lúa theo hướng tôm sạch, lúa an toàn có truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, góp phần phát triển bền vững hệ thống canh tác tôm - lúa tại  Bạc Liêu nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.
 
Nguyễn Văn Hưng

Số lượt xem: 1242

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn