Liên kết web
Thống kê truy cập

null Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng cho ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu

Khuyến nông-Khuyến ngư
Thứ hai, 21/10/2019, 13:57
Màu chữ Cỡ chữ
Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng cho ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu

 

Theo đó, việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất từ dịch vụ đầu vào, quy trình kỹ thuật đếntiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quan trọng. Chuỗi liên kết này phải được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của 4 nhà(Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông).
Sau nhiều nổ lực của địa phương và được sự hỗ trợ của dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng tại Việt Nam (Sus-V), đến nay toàn tỉnh Bạc Liêu đã thành lập 37 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Riêng năm 2018, thành lập mới 6 HTX,  trong đó có 5 HTX đã liên kết được đầu ra sản phẩm, sản lượng tôm nuôi đã bao tiêu đạt 150 tấn, Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 15.000 – 20.000 đồng/kg.  Điển hình một số chuỗi liên kết được hình thành như: Công ty Tôm Miền Nam ký kết bao tiêu sản phẩm tôm nuôi của HTX Thành Đạt (ấp Cây Dương, xã Long Điền) và ký kết bản ghi nhớ cam kết bao tiêu sản phẩm tôm nuôi của HTX Công nghệ cao Đông Hải (xã Long Điền Đông). Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Âu Vững ký kếtbao tiêu sản phẩm tôm nuôi của HTX 30/4 (xã Vĩnh Hậu). Công ty Stapimex đã ký kết bao tiêu sản phẩm tôm nuôi của HTX Công nghệ cao Phát triển tôm Bạc Liêu (xã Vĩnh Hậu A). Công ty TNHH Một thành viên chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú ký kết với HTX Đồng Tiến và Tổ Hợp tác Tiền Phong (xã Định Thành), ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất cũng còn nhiều thách thức bởiđiều kiện nội lực của người sản xuất còn yếu, hệ thống thủy lợi, điện phục vụ sản xuất mặc dù đã có sự quan tâm khá đặc biệt nhưng vẫn chưađáp ứng được nhu cầu sản xuất. Nhất là những năm gần đây nông dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đó là:Sự gia tăng nhiệt độ, sự thay đổi lượng mưa trong năm, triều cường, nước biển dâng, sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan (ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, bão, lốc xoáy, nắng hạn, mưa lớn cục bộ,…); tình trạng xả nước thải, chất thải ra sông rạch gây ô nhiễm môi trường; tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng có chiều hướng phức tạp và khó kiểm soát, ... Bên cạnh đó, giá các loại vật tư đầu vào luôn diễn biến theo chiều hướng tăng trong khi giá sản phẩm tôm nuôi không ổn định; sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm chưa chặt chẽ, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi còn nhiều hạn chế, chưa mang tính cộng đồng trong sản xuất cũng như bán sản phẩm sau thu hoạch; thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm, còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, thiếu tính ràng buộc và chưa phù hợp; tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sử dụng tôm có chứa tạp chất để chế biến, xuất khẩu vẫn còn xảy ra; vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, không nằm trong danh mục ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản, ...
Giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững cho ngành thủy sản Bạc Liêu
Với thực trạng như hiện nay, theo ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu: Để phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng hướng tới sự phát triển bền vững và hội nhập Quốc tế của ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
1. Tích cực tuyên truyền, vận động, hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều kênh tuyên truyền: Hội nghị, hội thảo đối thoại, truyền thông, … để nông dân hiểu được lợi ích của liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, ... từ đó người sản xuất sẽ tự nguyện tham gia để giải quyết các khó khăn của chính họ.
2. Thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng các tổ chức đại diện nông dân; thành lập mới các THT/HTX; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý THT/HTXthông qua các lớp tập huấn, đào tạo, tham quan; xây dựng và nhận rộng các mô hình điểm về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thật sự có hiệu quả.
3. Kêu gọi các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, THT/HTX cùng nhau đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất trong vùng cánh đồng lớn, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, hệ thống giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất,...
4. Phối hợp các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát ký kết và thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện nông dân; tổ chức tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng động viên những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt liên kết có hiệu quả và có chế tài xử lý nghiêm các cơ sở làm ăn gian dối, không uy tín phá vỡ hợp đồng làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển kinh tế hợp tác của Đảng và nhà nước.
5. Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch và dự báo về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở cả cấp quốc gia, địa phương để các tác nhân trong chuỗi cập nhật và chấp hành các khuyến cáo một cách kịp thời, mạnh mẽ hơn. 
6. Tăng cường công tác khuyến nông và đào tạo đối với nhóm sản xuất nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật sản xuất mà cần mở rộng ra các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm. 
7. Rà soát và lựa chọn các hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật hiệu quả cho các tác nhân trong chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Theo đó, cần có những đánh giá sâu về hiệu quả hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế đối với các tác nhân trong chuỗi giá trị để lựa chọn những hình thức hỗ trợ phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng nhóm tác nhân, từng địa phương và từng giai đoạn. 
8. Tăng cường hợp tác với các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức phi chính phủ, tạo bước đột phá cho việc thúc đẩy phát triển ngành tôm Bạc Liêu; khuyến khích các Doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện thí điểm “Liên kết 2 nhà: Doanh nghiệp - Nông dân trực tiếp sản xuất có sự hỗ trợ của Nhà nước.
9. Nông dân cam kết sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp; đảm bảo đủ nguồn vốn để đầu tư đúng, đủ cho mô hình; thực hiện nghiêm các điều khoản đã nêu trong hợp đồng./.
 
Nguyễn Văn Hưng

Số lượt xem: 899

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn