Ngày 12 tháng 4 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP thay thế Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg đánh dấu một sự thay đổi quan trọng về chính sách của Nhà nước đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tín dụng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Đầu tư cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải ngân 6.419,83 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân vay vốn, đã góp phần giúp cho một bộ phận người dân nông thôn tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi, giúp họ có điều kiện tổ chức sản xuất, tăng thu nhập. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn đang “khát” vốn rất lớn để đầu tư, mua sắm những tư liệu sản xuất quan trọng như máy móc thiết bị nông nghiệp phục vụ tưới tiêu, làm đất, chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến,... phương tiện vận tải, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi,...
Trong thực tế, các hộ nông dân khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính thức (nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp); mặc dù nguồn vốn dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn không thiếu; hệ thống ngân hàng đã “vươn” tới tận từng xóm, ấp. Quy định Nhà nước cho phép không ít định chế tín dụng hướng vào phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là do các khâu liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, thật sự liên kết với nhau, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật (trong nuôi tôm công nghiệp) dẫn đến mất mùa, sản xuất bị lỗ liên tục. Phần lớn nông dân sản xuất nhỏ, manh mún, điều kiện nông thôn khó khăn; các khoản vay thì nhỏ lẻ; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bấp bênh,... nông dân đa số có trình độ hạn chế, chưa lập được các phương án sản xuất kinh doanh.
Một số giải pháp giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Để giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân giúp người dân nông thôn tiếp cận được vốn tín dụng, cần xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai. Đồng thời, cần phải xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn mà đảm bảo cho nông dân không phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. Có thể đề ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Chính phủ sớm tổng kết chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, qua đó ban hành chính sách về bảo hiểm trong nông nghiệp để làm cơ sở áp dụng chính sách mua bảo hiểm nông nghiệp trong sản xuất. Theo cơ chế này thì nông dân có xây dựng phương án sản xuất tốt, sẽ được hỗ trợ mua bảo hiểm sản xuất, được ngân hàng khoanh nợ, giảm nợ và tiếp tục cho vay để sản xuất; trường hợp nông dân gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh,…thì bảo hiểm nông nghiệp sẽ chi trả cho nông dân hoặc bảo lãnh cho nông dân được vay vốn để tiếp tục sản xuất.
Thứ hai, Chính phủ đổi mới chính sách bao tiêu sản phẩm một số sản phẩm chính cho nông dân (lúa, cá, tôm,...) để nông dân sản xuất có lãi ngay khi giá cả bấp bênh. Khi nông dân sản xuất có lãi, có tích lũy và đầu tư cho con cái học hành, thì có điều kiện chuyển đổi nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp; đồng thời tăng khả năng tích tụ ruộng đất cho phần nông dân còn lại. Chính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như là: giao thông, thủy lợi, điện,... phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hoạt động các ngành nghề nông thôn. Tăng cường hỗ trợ hơn nữa lĩnh vực giáo dục, y tế; hỗ trợ tín dụng cho sinh viên nghèo, giáo dục phổ thông,... để giảm bớt gánh nặng cho nông dân.
Thứ ba, Chính phủ điều chỉnh một vài điểm còn chưa hợp lý trong các chính sách tín dụng hiện hành: quy định thêm đối tượng ở khu vực thành thị nhưng có sản xuất nông nghiệp thì cũng được hưởng chính sách trong Nghị định 41/2010/NĐ-CP; điều chỉnh giảm tỷ lệ nội địa hóa trong máy móc thiết bị sản xuất trong nước, cho phép máy móc thiết bị ngoại nhập được hưởng chính sách theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg.
Thứ tư, Chính phủ chỉ đạo, buột các tổ chức tín dụng phải công khai, minh bạch các thủ tục theo hướng đơn giản về: điều kiện cho vay, thông báo, niêm yết công khai mức vay không có đảm bảo bằng tài sản, lãi suất vay ưu đãi, các ưu đãi khác đến tận người dân. Phải có sự phối hợp chặt chẽ với các các ngành liên quan (nhất là ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc thẩm định các phương án sản xuất - kinh doanh. Có cơ chế giảm nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay đối với các hộ, cá nhân, tổ chức có phương án sản xuất - kinh doanh tốt, nhưng gặp rủi ro. Cho vay trung hạn và dài hạn với những lĩnh vực sản xuất phải đầu tư ban đầu lớn.
Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng cho vay trong “tam nông” mà không lấy tiêu chí lợi nhuận làm phương châm, với lãi suất bằng trượt giá + quản lý phí; hoặc thay vì Chính phủ đang hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo theo chính sách tạm trữ, thì Chính phủ có thể dùng mức hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp chuyển qua hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng, buộc các tổ chức tín dụng cho vay trong “tam nông” với mức lãi suất thấp hơn thị trường, nhằm để nông dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp.
Thứ năm, Chính quyền địa phương chỉ đạo ngành chức năng trong việc tập hợp, liên kết nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành các cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã,... sản xuất ra lượng hàng hóa lớn; kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng liên kết tư đầu theo từng khâu trong sản xuất hoặc đầu tư từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở: Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ,... trong việc phối hợp, liên kết với các tổ chức tín dụng giúp cho hội viên của họ có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thức đầu tư cho sản xuất.
Triển khai thực hiện tốt chính tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ đối với sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu./.
Lê Minh Điền