Theo báo cáo của Văn phòng thường trực quốc gia về vệ sinh và môi trường nước sạch, hiện tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước có kiểm soát tăng từ 32% năm 1998 lên 79% năm 2009. Tuy nhiên, trong đó, mới có 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành.
Bức tranh sử dụng nước và trữ nước sạch:
Theo một nghiên cứu của Path (Tổ chức hỗ trợ công nghệ thích hợp trong y tế), bản đồ sử dụng và dự trữ nước tại các hộ gia đình ở Việt Nam không ổn định. Các hộ gia đình tại 3 miền đều khẳng định có đun sôi nước khi sử dụng. Đun sôi là cách xử lý phổ biến nhất nhưng 36% dân số đun sôi không đúng cách. Chỉ có 1 hộ gia đình (đồng bằng sông Cửu Long) trong số 1000 hộ được khảo sát khẳng định họ không xử lý nước uống. Vùng Bắc Trung bộ có tỷ lệ người xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất (90%), khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất, chỉ 60%. Chất lượng nước là điều được nhiều người quan tâm và lo lắng nhất.
Theo khẳng định của bà Mona byrkit – Trưởng đại diện Path tại VIệt Nam, việc xử lý nước và trữ nước tại các hộ gia đình ở Việt Nam nếu phân tích ra thì gặp rất nhiều vấn đề đáng bàn. Nhất là tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ thường xuyên thì việc xử lý lại rất bất cập.
Theo ông Nguyễn Quang Thông, Chủ tịch Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch còn thấp. Những bệnh liên quan đến nước và lây truyền như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... vẫn còn là mối đe dọa cho sức khỏe người dân. Hiện nay huyện Vĩnh Thạnh mới có 62% hộ được dùng nước sạch, trong đó 27% được sử dụng nước máy, có đến 35% hộ sử dụng nước giếng đa số là giếng khoan và nguồn nước ngầm không được kiểm nghiệm chất lượng nước. Đặc biệt có 5,7% số hộ còn sử dụng nước sông trực tiếp, không đảm bảo an toàn.
Khó đạt được mục tiêu bảo đảm nước sạch vào 2020
Với việc sử dụng và dự trữ nước sạch tại Việt Nam đang còn khó khăn thì mục tiêu 100% dân số được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia, mỗi người 60l/ngày vào năm 2020 được đánh giá khó khó thực hiện. Theo ông Nguyễn Thành Luân, Phó giám đốc các chương trình dự án về nước và vệ sinh môi trường tại Việt Nam, có một chương trình làm sao để mọi người được tiếp cận với nước sạch đồng bộ là điều không dễ.
Hiện nay, tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước hợp vệ sinh cũng không đồng đều giữa các vùng. Tỉnh Hà Giang, hiện nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở Hà Giang mới được 60%. Tỉnh Lạng Sơn, trong các năm qua, các công trình nước sạch nông thôn chủ yếu là mô hình tự quản, nên với những vùng dân cư không có ý thức cao thì hiệu quả công trình sau đầu tư rất kém. Nhiều công trình cung cấp nước tự chảy song không có cơ chế bảo vệ nước đầu nguồn, mặc dù mới xây dựng nhưng chỉ vài năm nữa sẽ không dùng được nữa.
Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa việc khan hiếm nước sinh hoạt là phổ biến chứ chưa nói đến việc được sử dụng nước sạch. Có thể nói, quản lý chất lượng nước là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, các trạm cấp nước nông thôn đều có chế độ kiểm tra chất lượng nước và chế độ vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ. Các mẫu nước được chuyển đến các cơ quan y tế của các huyện để tiến hành xét nghiệm theo TCVN. Nhưng trên thực tế, các trạm đều chưa tiến hành công tác kiểm tra đầy đủ, có trạm chỉ phân tích, xét nghiệm mẫu nước 1 lần/năm, có những trạm không tiến hành kiểm tra, ở những trạm có thực hiện kiểm tra thì hầu hết chỉ kiểm tra một vài chỉ tiêu đơn giản và không theo các chỉ tiêu hiện hành (TC 09-2005-QĐ-Bộ Y tế). Việc giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn hiện vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn do còn thiếu tính hệ thống, đồng bộ, cụ thể, phù hợp và khả thi với nông thôn.
Theo Thúy Hằng – Cổng TTĐT Bộ NN&PTNT