null
Mô hình sinh kế thuộc tiểu dự án 10 trên địa bàn 02 xã Vĩnh Thịnh và Long Điền Đông năm 2021
2178 Views
Thủy sản
Thứ tư, 22/12/2021, 09:32
Màu chữ
Cỡ chữ
Mô hình sinh kế thuộc tiểu dự án 10 trên địa bàn 02 xã Vĩnh Thịnh và Long Điền Đông năm 2021
Trong năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị có liên quan và phân công cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình, thường xuyên hỗ trợ người dân, ... đã đem lại hiệu quả khả quan, đa số các hộ thực hiện mô hình trình diễn đều có lãi. Đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh - bán thâm canh các hộ có lãi trung bình 60 - 70 triệu đồng/hộ, cao nhất 250 triệu/hộ; đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh - bán thâm canh, các hộ đều có lãi trung bình 50 - 60 triệu đồng/hộ, cao nhất 270 triệu đồng/hộ, không có hộ lỗ vốn.
Kiểm tra sức khỏe tôm nuôi mô hình trình diễn
Ông Lê Văn Chí, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Mục tiêu của dự án là phát triển mô hình sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao và bền vững;áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để thực hiện các mô hình sinh kế: Nuôi tôm sú mật độ 20 con/m2, tôm thẻ chân trắng 60 con/m2 theo hướng bền vững, hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế chung của các nông hộ nuôi tôm ở các vùng dự án triển khai, nhất là góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người sản xuất làm nền tảng cho việc nhân rộng mô hình nuôi tôm theo hướng bền vững, hướng đến nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế (VietGAP, ASC, ...) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.
Trong khuôn khổ Tiểu dự án 10: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu ở huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải và thành phố Bạc Liêu thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 huyện (huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải) và Ủy ban nhân dân 02 xã (xã Vĩnh Thịnh và xã Long Điền Đông) chọn được 80 hộ (mỗi vùng có 40 hộ: 16 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm sú mật độ 20 con/m2 có sử dụng cá rô phi xử lý nước, 24 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ 60 con/m2 có sử dụng cá rô phi xử lý nước, diện tích tham gia mô hình 0,5 ha/hộ) đáp ứng các điều kiện tham gia mô hình trình diễn.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại hộ anh Trương Văn Lành
Theo đó, đối với 32 hộ nuôi tôm sú được hỗ trợ 50% chi phí các vật tư thiết yếu (tôm giống, vi sinh, khoáng vi lượng, men tiêu hóa, vitamin C, ...), hỗ trợ sửa chòi canh, nhà kho, hỗ trợ thiết bị đo môi trường, hỗ trợ 10% thức ăn với tổng giá trị dự án hỗ trợ là hơn 47 triệu đồng/hộ. Đối với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (48 hộ) được hỗ trợ 50% chi phí các vật tư thiết yếu (tôm giống, vi sinh, khoáng vi lượng, men tiêu hóa, vitamin C, ...), hỗ trợ sửa chòi canh, nhà kho, hỗ trợ thiết bị đo môi trường, hỗ trợ 10% thức ăn với tổng giá trị dự án hỗ trợ là hơn 48 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp, Chi cục Thủy sản đã phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi mô hình trình diễn, các yếu tố môi trường, sức khỏe tôm nuôi của các hộ dân, ... trong suốt thời gian triển khai thực hiện mô hình để kịp thời xử lý các rủi ro phát sinh, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế như mục tiêu của tiểu dự án đề ra.
Để hỗ trợ mô hình trình diễn đạt kết quả cao như mục tiêu đề ra, Chi cục Thủy sản cũng đã thực hiện nhiều phần việc có liên quan như: Tổ chức 35 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hướng tới chứng nhận tiêu chuẩn ASC cho nông dân tại các ấp của xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải và xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình với 922 người tham dự. Tăng cường quản lý chất lượng nước và dịch bệnh: Đã thu 16 mẫu tôm và 80 mẫu nước (40 mẫu nước trong ao và 40 mẫu nước kênh cấp) trên các tuyến kênh và ao nuôi trong 4 vùng dự án nhằm kịp thời xử lý các bất lợi xảy ra, hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả mô hình trình diễn. Đồng thời, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan vận động các hộ nuôi tôm tham gia vào Tổ hợp tác/Hợp tác xã để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ... goài ra, Chi cục Thủy sản cũng tổ chức cho các hộ tham gia mô hình, các hộ trong Tổ hợp tác được đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả các tỉnh lân cận (tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cà Mau, ...) để áp dụng vào điều kiện sản xuất thực tế tại nông hộ.
Đại diện các hộ tham gia, ông Tạ Minh Khoa (ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông) cho biết “Tham gia tiểu dự án tôi được hỗ trợ 50.000 con tôm sú giống gia hóa chất lượng cao và một phần chi phí sản xuất (thức ăn, men tiêu hóa, vi sinh xử lý nước, ...), cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật (kiểm tra chất lượng nước, sức khỏe tôm nuôi, ...) đã giúp cho hộ nuôi tôm sản xuất hiệu quả, cải thiện sinh kế”. Ông Tạ Minh Khoa phấn khởi cho biết: Sau thời gian nuôi 5,5 tháng, ông đã thu hoạch hơn 02 tấn tôm sú thương phẩm, cho thu nhập 480 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 180 triệu đồng. Cũng đạt được thành công như hộ ông Tạ Minh Khoa, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ anh Trương Văn Lành (ấp Bửu 1, xã Long Điền Đông) được hỗ trợ 150.000 con tôm giống và một phần các trang thiết bị, nguyên vật liệu cần thiết; sau thời gian nuôi 3,5 tháng, anh Lành thu hoạch được hơn 2,5 tấn tôm thẻ chân trắng, cho thu nhập 230 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 130 triệu đồng.
Ông Hồ Minh Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu khẳng định “Từ khi triển khai cho đến nay, được sự quan tâm của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn; sự chí thú làm ăn của nông dân đã góp phần vào thành công của tiểu dự án tại các địa phương”./.