Trong thời gian qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp đã được người nông dân từng bước áp dụng vào sản xuất như:Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ,… Tuy nhiên, hiện nay do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, kéo theo dịch hại cũng phát sinh gây hại phức tạp hơn (rầy nâu, rầy phấn trắng, sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá,…), nông dân lạm dụng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh và phân bón hóa học là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn thực phẩm trong bối cảnh giá cả vật tư tăng cao.
Ruộng mô hình trình diễn quản lý dịch tổng hợp (IPM). Ảnh: Hiếu Lê
Việc triển khai “Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)” được thực hiện là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm tăng cường kỹ năng cho nông dân phân tích Hệ sinh thái đồng ruộng và kỹ năng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong quản lý dịch hại bằng nhiều biện pháp, kết hợp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ,… trong thâm canh sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh thái, giảm thiểu thiệt hại, giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất lúa trên một đơn vị diện tích canh tác; giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật(BVTV); đảm bảo sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn thực phẩm.
Năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu phối hợp với huyện Hòa Bình, huyện Phước Long và thị xã Giá Rai triển khai 10 mô hình với quy mô 10 ha. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn lý thuyết kết hợp với thực hành thực tế ngoài đồng ruộng xoay quanh các nội dung như: Phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, sinh lý cây lúa và quản lý dinh dưỡng qua các giai đoạn sinh trưởng; thực hiện các chuyên đề chuyên sâu về vai trò và cách sử dụng phân bón hữu cơ, quần thể thiên địch quản lý ốc bươu vàng, cỏ dại, quản lý chuột, sâu cuốn lá, sâu đục thân,…; thực hành một số thí nghiệm như rễ và mạch dẫn của cây, khả năng ăn mồi của thiên địch, độ phì nhiêu của đất, khả năng giữ nước của đất, cắt lá giả tạo sự gây hại của sâu cuốn lá nhỏ, cắt chồi giả tạo sự gây hại lúa của sâu đục thân; thuốc BVTV ảnh hưởng đến sức khỏe con người, … Qua các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của canh tác lúa an toàn, đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa đạt hiệu quả cao.
Mô hình trình diễn được triển khai từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022 với diện tích 01 ha/mô hình. Tham gia mô hình hộ dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV và kỹ thuật canh tác. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện mô hình đã đem lại hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế thiết thực như sau:
* Hiệu quả kỹ thuật:
- Sử dụng giống lúa: Ruộng mô hình (MH) sử dụng lượng giống gieo sạ 100 kg/ha thấp hơn so với ruộng đối chứng canh tác theo tập quán của nông dân (ĐC)47 kg/ha, do ruộng MH canh tác theo hướng IPM để từ đó hướng cho nông dân giảm được lượng giống gieo sạ.
- Sử dụng phân bón: Tổng lượng phân bón của ruộng MH sử dụng là 636 kg/ha(tăng 272 kg/ha so với ruộng ĐC), trong đó có bổ sung phân hữu cơ 310 kg/ha, phân đạm nguyên chất sử dụng 62,86kg/ha(giảm 13,72 kg/ha so với ruộng ĐC (giảm 17,92%). Việc giảm lượng phân đạm nói trên đáp ứng mục tiêu đặt ra trong xây dựng mô hình IPM là giảm 10% lượng phân đạm, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn giúp cây lúa phát triển cân đối, ít sâu bệnh, hạn chế đỗ ngã.
- Sử dụng thuốc BVTV: Tổng số lần phun thuốc BVTV ruộng MH 6,7 lần/ha/vụ so với ruộng ĐC 8,6 lần/ha/vụ(giảm 1,9 lần/ha/vụ) do ruộng MH có mật số thiên địch luôn cao hơn so với ruộng ĐC, đồng thời bón phân cân đối giúp cây lúa khỏe chống chịu sâu, bệnh tốt hơn.
* Hiệu quả kinh tế:
- Tổng chi phí bình quân: 21.948.000 đồng/ha(giảm 1.656.200 đồng/ha so với ruộng ĐC).
- Năng suất (lúa tươi): 6,52 tấn/ha (tăng 0,25 tấn/ha so với ruộng ĐC).
- Giá thành sản xuất: 3.366 đồng/kg lúa tươi (giảm 399 đồng/kg lúa tươiso với ruộng ĐC).
- Tổng thu bình quân: 43.703.560 đồng/ha (tăng 1.675.750 đồng/haso với ruộng ĐC).
- Lợi nhuận: 16.408.500 đồng/ha (tăng 3.331.950 đồng/ha so với ruộng ĐC).
Ruộng mô hình gieo sạ thưa với mật độ 100 kg/ha, bón phân cân đối (N-P-K), phun thuốc BVTV khi cần thiết giúp giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao đối với các thành phần năng suất và đảm bảo năng suất, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho nông dân.
Thành công từ mô hình là tiền đề giúp nông dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa an toàn cũng như góp phần làm chuyển biến về nhận thức và tập quán canh tác của nông dân, từng bước tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn; góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng./.