Liên kết web
Thống kê truy cập

null Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo giai đoạn 2013 - 2018

Trồng trọt
Thứ ba, 15/10/2019, 07:40
Màu chữ Cỡ chữ
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo giai đoạn 2013 - 2018

 

Diện tích sản xuất lúa của tỉnh được phân bố trên 03 vùng sinh thái: Vùng giữ ngọt ổn định chuyên canh lúa quy mô trên 62.000 ha, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu (sản xuất 2 - 3 vụ/năm, chủ yếu là giống lúa ngắn ngày, tập trung tại huyện Hòa Bình, một phần huyện Vĩnh lợi; vùng ngọt của huyện Phước Long, thị xã Giá Rai và Hồng Dân); vùng sản xuất lúa trên đất tôm - lúa tập trung chủ yếu ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, với quy mô trên 35.000 ha (gồm một phần huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai); một số diện tích sản xuất lúa 01 vụ, quy mô trên 2.000 ha tập trung ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A của tỉnh.
       Đại biểu tham quan mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo
       Đại biểu tham quan mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo   
 
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Ban chấp hành Đảng bộ tỉnhkhóa XV ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND, Quyết định số 1510/QĐ-UBNDthực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030; mục tiêu đến 2020 thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo theo mô hình chuỗi giá trị đạt 100.000 ha diện tích gieo trồng.
Tỉnh xác định cây lúa nước là cây trồng chủ lực, với việc tập trung các loại giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, đặc sản địa phương, … đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh.
Để thực hiện được chuỗi giá trị lúa gạo, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ngừng mở rộng quy mô và diện tích cánh đồng lớn. Sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh xây dựng mới được 5 cánh đồng lớn đạt chuẩn theo tiêu chí 100 ha/cánh đồng (nâng tổng số cánh đồng lớn lên 26 cánh đồng, so với năm 2013 tăng 19 cánh đồng), diện tích canh tác 13.505 ha chiếm 7,30% diện tích canh tác (so với năm 2013 tăng 12.581 ha, tương ứng 93,16%). Kết quả này cũng góp phần gia tăng diện tích liên kết bao tiêu lúa gạo từ năm 2013 đến 2018 lên 44.922 ha, chiếm 24,28% diện tích lúa toàn tỉnh, sản lượng 263.307 tấn (trong đó: năm 2013 thực hiện 1.375 ha, sản lượng 7.618 tấn; năm 2018 thực hiện 44.922 ha, sản lượng 263.307 tấn); bình quân mỗi năm thực hiện 6.417 ha (chiếm 3,47% diện tích gieo trồng). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, diện tích gieo trồng liên kết bao tiêu lúa thực hiện trên 32.000 ha, ước cả năm thực hiện đạt 50.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn.
Ngoài những kết quả đạt được từ việc xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo, các chỉ tiêu khác trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt cũng không ngừng gia tăng qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, cụ thể:
Sử dụng lúa giống cấp xác nhận: Diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhậnđể nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo,diện tích thực hiện đạt 139.880 ha,chiếm 76,02% diện tích gieo trồng lúa (so với năm 2013 tăng 69.380 ha, đạt 49,60%).
Sử dụng giống lúa chất lượng cao:Diện tích sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao tăng lên theo từng năm, tính đến năm 2018 thực hiện được 168.437 ha, chiếm 91,03% diện tích gieo trồng (DTGT) (so với năm 2013 tăng 13.698 ha, tương đương 9,39%), trong đó diện tích sử dụng nhóm giống lúa thơm (RVT, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, ...) là 106.688 ha, chiếm 57,66% DTGT (so với năm 2013 tăng 99.686 ha, đạt 93,44%); sử dụng nhóm giống lúa không thơm (OM 4900, OM5451, OM2517, OM 6976,...) diện tích 39.063 ha, chiếm 21,11% DTGT; sử dụng giống lúa đặc sản 22.686 ha (Một bụi đỏ 13.368 ha, Tài nguyên 9.318 ha), chiếm 12,26% DTGT (so với năm 2013 thấp hơn 5.583 ha, tương đương 19,75%).
Giảm lượng lúa giống gieo sạ: Diện tích giảm lượng lúa giống gieo sạ (ở liều lượng từ 80 - 100 kg/ha) thực hiện được 59.023 ha, chiếm 32,08% DTGT (so với năm 2013 tăng 53.523 ha, đạt 90,68%).
Mở rộng diện tích sản xuất lúa giống:Diện tích sản xuất lúa giống trong tỉnh thực hiện được 1.576 ha (so với năm 2013 tăng 1.155 ha, tương ứng 77,73%).
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh cây trồng: Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, không có diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây khác, chỉ có diện tích luân canh đất trồng lúa với cây trồng cạn (sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ màu, 1 vụ lúa - 2 vụ màu hoặc 1 lúa - 1 vụ màu) đạt 805,5 ha.Trong đó: Bắp nếp 35 ha, lợi nhuận tăng 30 triệu đồng/ha/vụ so trồng lúa, các loại rau màu khác (dưa leo, khổ qua, dưa hấu, ...) là 770,5 ha, lợi nhuận tăng 59 - 135 triệu đồng/ha/vụ so trồng lúa. Dự kiến đến cuối năm 2019, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thực hiện đạt 172 ha.
Kế hoạch triển khai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.600 ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm- lúa đạt 39.000 - 40.000 ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A;sản xuất lúa đặc sản địa phương 25.000 ha (giống lúa Một bụi đỏ 15.000 ha, giống lúa Tài nguyên 10.000 ha); tập trung xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và thực hiện liên kết bao tiêu lúa gạo đạt 100.000 ha gieo trồng lúa vào năm 2020; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh (quy mô 4.000 ha), đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng vật tư nông nghiệp và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung phát triển lúa gạo chất lượng cao; xây dựng và mở rộng mô hình tôm - lúa ở những nơi có điều kiện; xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn, hữu cơ trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP)trong sản xuất và phân tích mối nguy (HACCP) trong tất cả các khâu của quá trình “từ trang trại đến bàn ăn” để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình trồng nấm, mô hình đưa màu xuống ruộng; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn vườn cây nhãn cổ 150 ha tại xã Hiệp Thànhvà cây xoài cổ tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu; nhân rộng giống Thanh nhãn Bạc Liêu trên đất cát giồng ven biển.
Công tác bảo vệ thực vật: Chuyển dần từ sản xuất sử dụng hóa học sang sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh./.
                                                                                                                                                                                          Nguyễn Văn Bo

Số lượt xem: 420

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn