Kết quả thực hiện Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, giải pháp trọng tâm thực hiện năm 2021
Năm 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vùng ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp (hạn hán, xâm nhập mặn, ...), bệnh dịch tả heo Châu Phi và nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ngành có liên quan và địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành Nông nghiệp và nông dân, nên tỉnh Bạc Liêu đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, điều tiết nước đạt kết quả rất tốt, cơ bản bảo vệ được diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Kết quả đạt được của Ngành Nông nghiệp khá khả quan, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ, toàn ngành đạt mức tăng trưởng 3,9%, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 4,08% (xếp thứ 2/13 trong Vùng ĐBSCL). Ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm 21% cơ cấu kinh tế của tỉnh), tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, trong đó đã đầu tư hoàn thành gần 90% hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; tuyển chọn được 09 doanh nghiệp đầu tư vào Khu này. Hiện có 15 công ty, đơn vị và 467 hộ dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn, với tổng diện tích gần 2.300ha, sản lượng 47.500 tấn, năng suất bình quân 21,11 tấn/ha. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 400 ngàn tấn (trong đó riêng tôm đạt 200 ngàn tấn), đạt 100% kế hoạch, tăng 9,59% so cùng kỳ. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, cho năng suất tăng từ 10-15 lần so với nuôi tôm thông thường; trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng, đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa.
Về trồng trọt: Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt, tổng sản lượng lúa đạt 1.150.000 tấn (đạt 100 % kế hoạch, tăng 0,21% so vùng kỳ). Xây dựng mới 10 cánh đồng lớn, nâng tổng số 38 cánh đồng lớn, với diện tích canh tác 27.818 ha và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa được 76.000 ha; sản lượng bao tiêu 478.000 tấn (chiếm 41% tổng sản lượng lúa). Đang thực hiện Kế hoạch phát triển giống lúa ST24 và ST25 bước đầu có kết quả khả quan; tỉnh đang xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo quy trình hữu cơ, áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa, xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch.
Về chăn nuôi: Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi; đang quyết liệt thực hiện tái đàn heo (đến nay đàn heo 200 ngàn con, đạt 100 % kế hoạch và tăng 98,5% so cùng kỳ); nhiều mô hình nuôi như: Gà siêu thịt, siêu trứng, cá sấu, le le, cua đinh, dẫn dụ chim yến, … đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao được người dân tích cực thực hiện.
Lĩnh vực lâm, diêm nghiệp được quan tâm phát triển. Tiếp tục thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chăm sóc diện tích rừng trồng, không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Sản lượng muối tăng cao, mặt dù diện tích muối giảm so cùng kỳ, song nhờ áp dụng các giải pháp khoa học vào sản xuất, cùng với thời tiết thuận lợi nên sản lượng đạt 92.292 tấn (đạt 174,14%KH, tăng 75,87% so cùng kỳ).
Về xây dựng nông thôn mới: Với quyết tâm cao, tập trung nguồn lực đầu tư, nhất là được nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt gấp đôi chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang thẩm định công nhận thêm 07 xã; 78 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xem xét công nhận thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thẩm định hồ sơ 05 huyện, thị xã còn lại. Có thể khẳng định, xây dựng nông thôn mới là kết quả vượt bậc của nhiệm kỳ qua, làm thay đổi rõ nét mọi mặt trong nông thôn, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng lên với nhiều khởi sắc. Đến nay, đã công nhận 68 sản phẩm OCOP (52 sản phẩm 3 sao, 16 sản phẩm 4 sao), vượt gấp đôi chỉ tiêu so với kế hoạch đầu năm 2020.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện năm 2021:
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 sẽ xuất hiện các đợt mưa trái mùa với tổng lượng mưa từng tháng dao động 20 - 50 mm. Tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL trong mùa khô năm 2020-2021 khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15-30%. Dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021 ở khu vực Nam Bộ đến sớm, cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019-2020. Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, cũng như bảo vệ sản xuất, đời sống dân sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các ngành và địa phương tiến hành thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể như sau:
- Trước mắt là xây dựng và triển khai Kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh, với 03 kịch bản (chọn Kịch bản gay gắt tương đương mùa khô năm 2019-2020 làm phương án chủ động tiến hành sản xuất), sẽ tổ chức triển khai trong tháng 12, cụ thể phương án thực hiện như sau:
+ Diện tích vụ lúa Đông Xuân sẽ giảm còn 44.329 ha. Giảm 3.400 ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt (tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và phần diện tích khoảng 500 mét dọc theo các cống Quốc lộ 1A và dọc theo các cống phân ranh mặn - ngọt). Cụ thể: Giảm 1.000 ha (gồm các Ấp 5, 15, 17, 18, 19 và 21 của xã Phong Tân thuộc thị xã Giá Rai); 300 ha (gồm các Ấp 14, 15, An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B; ấp Thị trấn B, thị trấn B1, thị trấn A1, Láng Giài, Láng Giài A, thị trấn Hòa Bình thuộc huyện Hòa Bình); 900 ha (gồm xã Long Thạnh, một phần xã Châu Thới thuộc huyện Vĩnh Lợi); 1.200 ha (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long).
+ Giải pháp: Tổ chức 70 lớp tập huấn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho nông dân (dự kiến đầu tháng 01/2021); tiến hành đắp 78 đập tạm bảo vệ vụ lúa trên đất tôm (dự kiến đầu tháng 01/2021); đắp 380 đập tạm bảo vệ lúa vụ Đông Xuân (dự kiến đầu tháng 3/2021); vận hành cống âu thuyền Ninh Quới để điều tiết nước phục vụ sản xuất trong mùa khô (dự kiến trong tháng 01/2021); chuẩn bị triển khai khoan bổ sung giếng và kéo dài đường ống ở 8 trạm cấp nước nông thôn (dự kiến đầu tháng 02/2021).
+ Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 19.403 triệu đồng (Đắp 78 đập vụ lúa - tôm 1.518 triệu đồng; đắp 380 đập vụ Đông Xuân 3.417 triệu đồng; hỗ trợ bơm tát 4.740 triệu đồng; tổ chức 70 lớp tập huấn 416 triệu đồng; vận hành cống âu thuyền Ninh Quới 612 triệu đồng; khoan bổ sung giếng và kéo dài đường ống cấp nước 8.700 triệu đồng). Việc tổ chức đắp các đập thời vụ (bảo vệ lúa trên đất tôm và lúa Đông Xuân) cần căn cứ vào diễn biến thực tế nguồn nước và thực tế sản xuất tại từng địa phương để tránh lãng phí.
- Lĩnh vực thủy sản: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh. Xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu nguyên con sang Úc và các nước khác. Chú trọng phát triển kinh tế biển; thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
- Lĩnh vực trồng trọt: Thực hiện Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm - lúa và Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST24 và ST25. Xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với bao tiêu sản phẩm và chế biến gạo xuất khẩu; tăng tỷ lệ sử dụng lúa giống cấp nguyên chủng, xác nhận lên 70-75% diện tích gieo trồng lúa.
- Xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các vật nuôi chủ lực (Heo, bò dê, gia cầm), mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (nhất là dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu bò). Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người dân tái đàn heo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quan tâm đến chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học theo hướng trang trại, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã đảm bảo an toàn dịch bệnh.
- Về xây dựng nông thôn mới: Tập trung vào nâng cao chất lượng, trong đó tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng chất các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2021, có 20/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 05/07 đơn vị cấp huyện được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu trong năm 2021 có thêm từ 20 đến 30 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
- Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản; quản lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và chất lượng giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và thực hiện tốt lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản./.
Phạm Văn Mười