Kết quả thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và định hướng phát triển thời gian tới
Kết quả thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và định hướng phát triển thời gian tới
Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 trong lĩnh vực chăn nuôi theo Quyết định số 1415/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
Tỉnh Bạc Liêu đã hình thành nên các vùng chăn nuôi trọng điểm, bao gồm: Vùng chăn nuôi heo, gia cầm được bố trí sản xuất tập trung ở tiểu vùnggiữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; vùng chăn nuôi bò được bố trí sản xuất tập trung chủ yếu ở thành phố Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông) và ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định của tỉnh (bao gồm các xã, thị trấn như ở phần chăn nuôi heo); vùng nuôi cá sấu được bố trí nuôi ở tất cả các địa bàn trong tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển mạnh ở các huyện Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải và thị xã Giá Rai; vùng nuôi chim yến được bố trí tập trung ở khu vực ven biển: Ưu tiên phát triển dọc theo tuyến đê biển Bạc Liêu, bờ Bắc đê Trường Sơn, tuyến lộ bờ Tây kênh 30/4 về phía đồng, 02 bên kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn cách Cầu Treo 500 m đến giáp ranh xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi), 02 bên tuyến đường Nam sông Hậu (đoạn từ cầu Rạch Thăng đến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng).
Từng bước đã chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại ngoài khu dân cư; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị, với các đối tượng vật nuôi chủ lực (heo, gia cầm và bò), đối tượng có khả năng phát triển (cá sấu và chim yến), đối tượng vật nuôi duy trì quy mô và phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng(trâu và dê), đối tượng gây nuôi mới (bồ câu và một số động vật khác). Ước năm 2020 tổng đàn heo 200.000 con (giảm 21,2 % so với năm 2016, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo Châu Phi vào nửa cuối năm 2019); đàn gia cầm 3.000.000 con (tăng 10,8 % so với năm 2016), trong đó đàn gà 1.300.000 con (tăng 20,65 % so với năm 2016); đàn trâu, bò 3.700 con (tăng 38,42 % so với năm 2016); đàn dê 11.000 con (tăng 72,60 % so với năm 2016); sản lượng thịt hơi các loại 46.820 tấn (tăng 13,23 % so với năm 2016); sản lượng trứng 72 triệu quả (tăng 14,49% so với năm 2016).
Giống vật nuôi được cải tạo và nâng cao chất lượng: Đàn heo giống ông, bà với các giống Yorkshire, Landrace, Duroc, ... phục vụ chăn nuôi heo trong tỉnh, nâng tỷ lệ nạc hóa đàn heo đạt 85%;đàn bò được cải tạo theo hướng Zebu hóa, chuyên thịt; các giống gia cầm gồm có gà Lương Phượng, vịt Anh Đào, vịt siêu thịt, vịt biển.
Trong thực tế sản xuất nông dân đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương phối trộn với thức ăn công nghiệp và áp dụng công nghệ sinh học để chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, từ đó hiệu quả sử dụng thức ăn được nâng lên, giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bước đầu, lĩnh vực chăn nuôi đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chăn nuôi trang trại an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 cơ sở chăn nuôi heo thương phẩm theo hình thức gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Namvới 20.000 con; có 43 trang trại chăn nuôi (tăng 02 trang trại so với năm 2016); chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, bán công nghiệp (chiếm khoảng 30% tổng đàn heo) gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng công nghệ phù hợp để tạo sinh kế cho hộ nông dân, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngành chăn nuôi trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành sản xuất cao, chưa có những sản phẩm chăn nuôi đặc thù, còn hạn chế trong an toàn vệ sinh thực phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Trong thời gian qua công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, nhất là những nơi có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; thực hiện kiểm dịch 24/24, thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chấn chỉnh tình hình vệ sinh, quy trình kiểm soát tại các lò mổ theo quy định; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm; kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và xử lý vi phạm trong công tác thú y.
Kế hoạch đến năm 2025, các chỉ tiêu trong lĩnh vực chăn nuôi phát triển như sau: Đàn gia cầm 3,5 triệu con; đàn heo 250.000 con; đàn trâu, bò 4.000 con; đàn dê 12.000 con; thịt hơi các loại 49.800 tấn; trứng gia cầm 75 triệu quả và định hướng đến năm 2030: Đàn gia cầm 3,3 triệu con; đàn heo 260.000 con; đàn trâu, bò 4.100 con; đàn dê 12.500 con; thịt hơi các loại 51.700 tấn; trứng gia cầm 77,5 triệu quả. Để đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu, kế hoạch nêu trên, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi, tái cơ cấu đàn vật nuôitheo lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái và nhu cầu thị trường; các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (nhất là dịch tả heo Châu phi, lở mồm long móng, heo tai xanh và cúm gia cầm). Khuyến khíchphát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩmvà vệ sinh môi trường.
Nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung và chính sách hỗ trợ thiệt hại khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh./.
Lâm Văn Thắng