Kết quả sản xuất năm 2020 và kế hoạch 2021 về phát triển nông nghiệp và nông thôn
1. Kết quả sản xuất năm 2020
a) Thủy sản: Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 400.000 tấn (trong đó tôm 200.000 tấn, cá và thủy sản khác 200.000 tấn), đạt 100% KH, tăng 9,59% CK. Diện tích nuôi trồng thủy sản 140.549 ha (trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh (STC, TC & BTC) 24.050 ha; nuôi thủy sản trên đất tôm – lúa 39.578 ha; quảng canh cải tiến kết hợp 72.962 ha; nuôi cua cá và thủy sản khác 3.959 ha), đạt 98,69% KH và tăng 0,03% CK; sản lượng nuôi trồng 284.531 tấn (trong đó tôm 187.998 tấn; cá và thủy sản khác 96.533 tấn), đạt 100,19% KH và tăng 13,77% CK. Toàn tỉnh hiện có 1.148 chiếc tàu cá đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất 217.392 CV; tổng số thuyền viên 6.787 người), số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên 485 chiếc; sản lượng khai thác 115.469 tấn (trong đó tôm 12.002 tấn, cá và thủy sản khác 103.467 tấn), đạt 99,54% KH và tăng 0,50% CK.
b) Nông nghiệp: Diện tích gieo trồng lúa 187.579 ha (đạt 98,31% KH và giảm 0,83% CK), sản lượng đạt 1.150.000 tấn (đạt 100% KH và tăng 0,21% CK); có 38 cánh đồng lúa lớn với diện tích canh tác 27.818 ha; thực hiện liên kết, sản xuất tiêu thụ lúa được 57.133 ha (chiếm 30,46% diện tích gieo trồng), sản lượng bao tiêu 356.126 tấn (chiếm 30,97% tổng sản lượng lúa). Cây thực phẩm xuống giống 17.580 ha, đạt 101,03% KH, tăng 1,77% CK; sản lượng 176.076 tấn, đạt 95,18% KH, giảm 3,89% CK. Đàn heo 200.000 con (đạt 100% KH và tăng 98,50% CK); đàn trâu, bò 3.740 con (đạt 101,08% KH và tăng 2,72% CK); đàn dê 11.250 con (đạt 102,27% KH và tăng 3,59% CK); đàn gia cầm 3.109.000 con (trong đó đàn gà 1.260.000 con), đạt 103,63% KH và tăng 5,53% CK; sản phẩm thịt hơi các loại 47.161,3 tấn, đạt 100,73% KH và tăng 22,79% CK; sản lượng trứng gia cầm 73,75 triệu quả, đạt 102,43% KH và tăng 3,20% CK. Chăn nuôi động vật hoang dã: Đàn cá sấu 375.321 con; đàn ba ba, cua đinh, càng đước 91.833 con; đàn trăn, rắn,... 85.974 con; sản phẩm động vật hoang dã 2.906 tấn, đạt 122,62% KH và tăng 15,94% CK.
c) Lâm nghiệp: Tổng diện tích đất lâm phần 7.833,37 ha, trong đó diện tích có rừng 3.390,94 ha (rừng phòng hộ ven biển 3.113,70 ha, rừng đặc dụng 221,87 ha, rừng sản xuất 55,37 ha), diện tích chưa có rừng 1.063,66 ha (rừng phòng hộ ven biển 1.007,53 ha, rừng đặc dụng 53,13 ha) và diện tích bãi bồi quy hoạch phát triển rừng 3.378,77 ha. Độ che phủ của rừng, cây phân tán và cây lâu năm 11,40% diện tích tự nhiên (trong đó độ che phủ của rừng và cây phân tán 7,42% diện tích tự nhiên; độ che phủ của rừng 1,72% diện tích tự nhiên).
d) Diêm nghiệp: Diện tích sản xuất muối 1.576 ha (trong đó muối trải bạt 69,7 ha), đạt 98,93% KH và giảm 4,18% CK; sản lượng 92.292 tấn, đạt 174,14% KH, tăng 75,87% CK; trong đó muối trắng 7.241 tấn (muối trắng trải bạt 7.129 tấn), đạt 103,44% KH, tăng 15,76% CK. Lượng muối tồn trong dân 38.000 tấn; hướng dẫn diêm dân nuôi trồng thủy sản trên đất muối đã thu hoạch.
e) Xây dựng nông thôn mới (XDNTM): Có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 08 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 07 xã đang thực hiện quy trình thẩm định cấp tỉnh; có 78 ấp được công nhận ấp NTM kiểu mẫu. Trình Trung ương xem xét công nhận thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi đã thực hiện quy trình thẩm định cấp tỉnh, đang hoàn chỉnh tiêu chí quy hoạch; lấy ý kiến các đơn vị có liên quan về đề nghị công nhận thị xã Giá Rai hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải tiếp tục thực hiện 9 tiêu chí cấp huyện.
f) Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Đến nay đã có 68 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 52 sản phẩm đạt 3 sao và 16 sản phẩm đạt 4 sao.
2. Một số chỉ tiêu và giải pháp thực hiện năm 2021
a) Nuôi trồng và khai thác thủy sản: Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 414.400 tấn, tăng 3,6% CK, trong đó tôm 212.800 tấn, tăng 6,4% CK, cá và thủy sản khác 201.600 tấn, tăng 0,8% CK.
- Nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 139.780 ha (trong đó tôm thẻ STC 2.700 ha; tôm sú, tôm thẻ TC&BTC 20.620 ha; nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 38.254 ha; QCCT kết hợp 74.282 ha; cua, cá và thủy sản khác 3.924 ha), giảm 0,55% CK; sản lượng nuôi trồng 297.400 tấn (trong đó tôm 201.000 tấn, tăng 6,92% CK; cá và thủy sản khác 96.400 tấn, giảm 0,14% CK), tăng 4,52% CK. Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; thực hiện các giải pháp phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh (đặc biệt là các công ty doanh nghiệp); tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân; tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các Công ty, Doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm cơ sở lan tỏa và từng bước đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn nông dân thực hiện Lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2021; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản; xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực; xây dựng chương trình giám sát vùng nuôi chặt chẽ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản, về quản lý môi trường, công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, các yếu tố đầu vào khác trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ chất lượng thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; thực hiện công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở, hộ nuôi thủy sản về thực hiện các quy định trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.
- Khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tổng số tàu cá đăng ký, đăng kiểm 1.148 chiếc (tổng công suất 218.600 CV, số thuyền viên 6.950 người), trong đó có 485 tàu đánh bắt xa bờ; sản lượng khai thác 117.000 tấn, tăng 1,33% CK; trong đó sản lượng tôm 11.800 tấn, giảm 1,68% CK; cá và thủy sản khác 105.200 tấn, tăng 1,67% CK. Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản; các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản cho các tàu cá phục vụ chế biến xuất khẩu vào thị trường Châu Âu; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, xử lý các trường hợp vi phạm; thường xuyên cập nhật sản lượng khai thác thủy sản, số lượng tàu thuyền, lực lượng thuyền viên; cấp sổ và hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác thủy sản; yêu cầu các chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định; nhân rộng các mô hình khai thác hải sản theo tổ, đội; tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp trên các vùng biển chồng lấn với các nước trong khu vực, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản (bảo quản bằng nước biển lạnh tuần hoàn, hầm bảo quản bằng Polyurethane, lót hầm tàu bằng vật liệu inox thay cho gỗ, composite,...) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
b) Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi
- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng lúa 188.966 ha, tăng 0,74% CK; sản lượng 1.155.000 tấn, tăng 0,43% CK. Chỉ đạo nông dân thực hiện tốt Lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp; Lịch xuống giống né rầy trong sản xuất lúa. Thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn, ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; áp dụng IPM, Quy trình canh tác lúa theo “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”; sử dụng tiết kiệm nước; quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cộng đồng, quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có hiệu quả giúp nông dân giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường; áp dụng các giải pháp góp phần giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch thí điểm sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực và tại các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (Măng Tây, ngò rí và các loại rau, củ, quả khác...) trên cơ sở triển khai việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất và phân tích mối nguy (HACCP) trong tất cả các khâu của quá trình “từ trang trại đến bàn ăn” để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất từ khâu trồng đến khâu chăm sóc, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; tham quan, tập huấn và chuyển giao các mô hình sản xuất rau an toàn; xây dựng HTX, THT về trồng rau an toàn; xây dựng thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm rau an toàn đến người dân.
- Chăn nuôi, thú y: Đàn heo 210.000 con, tăng 5,0% CK; đàn trâu, bò 3.800 con, tăng 1,60% CK; đàn dê 11.300 con, tăng 0,44% CK và đàn gia cầm 3.150.000 con (trong đó đàn gà 1.270.000 con), tăng 1,32% CK. Đàn cá sấu 376.000 con, tăng 0,18% CK; đàn baba, cua đinh, càng đước 92.000 con, tăng 0,18% CK và đàn trăn, rắn, kỳ đà, nhím 86.000 con, tăng 0,03% CK. Xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các vật nuôi chủ lực như: Heo, bò, dê, gia cầm. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (nhất là dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, heo tai xanh, viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm); thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, quan tâm đến chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, tổ hợp tác, HTX; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người dân tái đàn heo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh gia súc; gia cầm; vận động người dân chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại, an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để xử lý kịp thời các ổ dịch không để lây lan; kiểm dịch động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; kiểm soát việc giết mổ, buôn bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất nhập tỉnh và buôn bán tại các chợ; thực hiện công tác quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực nội thành, nội thị theo quy định.
c) Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục Nhân dân thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp đến tận người dân và chủ rừng. Tiếp tục phối hợp Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, chính quyền cơ sở, dân quân tự vệ và chủ rừng thực hiện tuần tra, kiểm tra và xử lý các vụ việc vi phạm hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng; các hoạt động làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh trật tự vùng ven biển. Đẩy mạnh thực hiện trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển và trên các khu vực bị sạt lở, trồng các loại cây đa tác dụng, đa mục tiêu; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng cây phân tán trong khuôn viên các cơ quan, khu dân cư, các công trình hạ tầng, trồng rừng trong mô hình tôm - rừng phía trong đê biển ở những nơi có điều kiện. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020-2021; Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn chim Bạc Liêu.
d) Diêm nghiệp: Diện tích 1.533 ha, giảm 2,73% CK, sản lượng muối 52.500 tấn (trong đó muối trắng 6.300 tấn), giảm 43,12% CK. Tiếp tục thực hiện nuôi trồng thủy sản và nuôi Artemia trên diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư sản xuất muối trải bạt trên nền sân kết tinh; nhân rộng mô hình sản xuất luân canh muối - nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập, cải thiện đời sống diêm dân. Triển khai đầu tư kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải; đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng muối, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất muối; gắn kết giữa người sản xuất muối chất lượng cao với các nhà máy chế biến muối thực phẩm, bao tiêu muối cho diêm dân.
e) Về XDNTM: Có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thị xã Giá Rai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải tiếp tục thực hiện 9 tiêu chí cấp huyện.
f) Về OCOP: Tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn các chủ thể trong việc sử dụng, in logo và thứ hạng sao trên sản phẩm OCOP; kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP. Xây dựng chính sách hỗ trợ thiết kế bao bì, logo sản phẩm, hỗ trợ máy móc,… cho 20 chủ thể có sản phẩm đã được công nhận; xây dựng 01- 02 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh./.
Hồng Nở