
Huyện đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, đưa kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên trên cả hai vùng sản xuất (vùng chuyển đổi và vùng ngọt ổn định); phát triển hệ thống thuỷ lợi thủy nông nội đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp từng tiểu vùng; đồng thời thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu giống chất lượng cao, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nếu năm 2006 sản lượng lúa đạt hơn 140.000 tấn thì đến năm 2010, sản lượng lúa đã đạt 170.000 tấn, tăng gần 27.000 tấn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 19.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2006. Huyện hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp có hiệu hiệu quả, đem lại kinh tế cao như: lúa + màu; tôm + lúa, tôm + cá, tôm + cua... Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mở rộng nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ như: ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... đáp ứng cho yêu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nhân dân. Từ đó, huyện đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất. Tốc độ tăng trưởng đạt 15-16%. Sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất, sản lượng; năng suất lúa tăng từ 4,5 tấn/ha (năm 2005) lên 6 tấn/ha (năm 2010). Chuyển đổi trên 18.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm hoặc kết hợp mô hình lúa – tôm. Xã Vĩnh Phú Tây trước đây là vùng trũng bị nhiễm phèn nặng nay nhờ thủy lợi thau chua, rửa phèn đã trở thành cánh đồng năng suất cao. Nhiều nông dân nhờ mô hình tôm - lúa hàng năm thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Có hộ đạt đến 300 triệu đồng.
Ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Phước Long cho biết: Trong số 19 tiêu chí thì huyện có 8/19 tiêu đạt gần 100% gồm: Bưu điện, nhà ở dân cư, tỉ lệ hộ nghèo, hình thức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa và an ninh trật tự; 6/19 tiêu chí đạt khá như: Giao thông, thủy lợi, điện, thu nhập, cơ cấu lao động, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. 5/19 tiêu chí đạt thấp, gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và môi trường.
Từ năm 2006 đến nay, huyện đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm các cơ quan, khu trung tâm hành chính huyện, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hoá xã trong đó trên 500 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa 450 km lộ nhựa, lộ bê tông, 420 cầu bê tông cốt thép. Hiện nay, 100% ấp trong huyện có lộ nhựa, lộ bê tông liên xã, nối liền giữa các ấp và các khu dân cư, xe bốn bánh đến được trung các xã; có trên 97% hộ sử dụng điện và 96% hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Các bờ kè dọc kênh rạch được nhân dân cùng Nhà nước góp sức xây dựng. Chỉ trong 5 năm, Phước Long đã xây dựng được 130 km bờ kè chống sạt lở với tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng trong đó nhân dân đóng góp 210 tỷ đồng. Toàn huyện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia; 8/8 đơn vị xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; 8/8 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 78/78 ấp, 113 cơ quan, trường, trạm, gần 24.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá; 100% hộ gia đình có phương tiện nghe hoặc nhìn. Công tác chính sách đối với người có công với cách mạng và hộ nghèo được quan tâm chăm lo, thực hiện qua đó xây dựng, sửa chữa trên 200 căn nhà tình nghĩa, 42 căn nhà đồng đội và trên 5.000 căn nhà tình thương. Những hộ nghèo được huyện phân công cán bộ, đảng viên nhận đỡ đầu đồng thời mở các lớp đào tạo nghề cho ngươì lao động. Đến nay huyện cơ bản giải quyết được vấn đề khó khăn về nhà ở cho các gia đình chính sách và hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,87% năm 2006 đến nay xuống còn dưới 4%. Mỗi năm, huyện tổ chức dạy nghề trên 3.000 lao động; giải quyết việc làm cho 2.500 lao động.
Ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện đưa chúng tôi đi một vòng khảo sát các tuyến đường giao thông đã và đang thực hiện cho biết: Tới đây, tỉnh sẽ ban hành cơ chế riêng cho huyện Phước Long trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư; ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Huyện tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch về sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông, thuỷ lợi... Chỉ đạo phát triển mạnh công nghiệp – dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, phấn đấu đến năm 2015 có 28 HTX, 165 tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả; đầu tư xây dựng cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thị trấn Phước Long và cụm công nghiệp Chủ Chí (xã Phong Thạnh Tây B), xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, thuỷ sản, để sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu lao đông nông nghiệp giảm từ 62% (năm 2010) xuống còn 35%.
Theo Lê Quốc Khánh – Báo Đại đoàn kết