Liên kết web
Thống kê truy cập

null Hiệu quả mô hình canh tác lúa bổ sung phân hữu cơ, giảm phân vô cơ

Mô hình hiệu quả
Thứ hai, 20/02/2023, 08:08
Màu chữ Cỡ chữ
Hiệu quả mô hình canh tác lúa bổ sung phân hữu cơ, giảm phân vô cơ

Bạc Liêu là một trong 13 tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích sản xuất lúa thâm canh 2 - 3 vụ/năm và năng suất lúa đạt được khá cao (diện tích gieo trồng lúa năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu là 188.931 ha; năng suất 6,31 tấn/ha; sản lượng lúa 1.192.958 tấn). Tuy nhiên, việc sử dụng phân hóa học với liều lượng cao trong thời gian dài và không cân đối làm cho đất ngày càng nghèo dinh dưỡng, suy giảm độ phì nhiêu của đất, giảm hoạt động của vi sinh vật có ích. Ngoài những tác động xấu đến môi trường thì việc lạm dụng phân vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề an toàn thực phẩm như nguy cơ dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân tham quan mô hình canh tác lúa bổ sung phân hữu cơ, giảm phân vô cơ.  Ảnh: Phùng Như

Qua quá trình sử dụng, nghiên cứu phân bón cho thấy để đảm bảo năng suất cao và ổn định, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng chỉ dựa vào phân vô cơ là không đủ, mà phải có phân hữu cơ ít nhất 25 % trong tổng số dinh dưỡng (Vũ Hữu Yêm, 2005. Giáo trình phân bón và cách bón phân, Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội). Phân hữu cơ khi bón vào đất sẽ cung cấp thêm các khoáng chất làm phong phú thêm thành phần dinh dưỡng cho cây và sau khi mùn hóa làm tăng khả năng trao đổi của đất. Đặc biệt là acid humic trong phân có tác dụng khoáng hóa đạm rất tốt trong đất (Nguyễn Bảo Vệ, 1996. Đặc điểm của hai loại acid humic và sự đóng góp của chúng đến khả năng cung cấp đạm cho đất chuyên lúa).

Việc phối hợp sử dụng phân với phân hữu cơ là một hướng đi mới có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành triển khai “Mô hình canh tác lúa có bổ sung phân hữu cơ giảm phân vô cơ” trong vụ Thu Đông 2022.

Mô hình được thực hiện tại huyện Hòa Bình và huyện Phước Long với quy mô 120 ha với gần 100 nông dân tham gia. Việc triển khai thực hiện mô hình là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của địa phương nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác mới giúp nông dân ứng phó với tình hình dịch bệnh ngày càng nhiều, đất bị thoái hóa gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Bên cạnh đó, mô hình góp phần giúp nông dân dần dần thay đổi tập quán canh tác sạ dày, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ.

Nông dân trong mô hình sử dụng giống lúa Đài Thơm 8, OM 18 và Nàng Hoa 9 cấp xác nhận. Do sạ thưa (100kg/ha) và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, IPHM, ... giúp lúa phát triển đồng đều, đẻ nhánh mạnh, cây khỏe, chống chịu tốt với điều kiện phèn mặn, ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, giảm áp lực sâu bệnh.

Kết quả sau hơn 03 tháng thực hiện mô hình, lượng giống gieo sạ giảm 23 – 54 kg/ha, lượng phân bón vô cơ giảm trung bình 64,2 kg/ha, giảm 1 – 2 lần phun thuốc, năng suất tăng 110 kg/ha, giá thành sản xuất giảm hơn 462 đồng/kg lúa tươi và hiệu quả kinh tế tăng 3.304.700 đồng/ha so với phương pháp canh tác lúa thông thường của nông dân.

Theo ông Phan Văn Linh ấp Minh Hòa, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình (là một trong những nông dân thực hiện mô hình) cho biết phân bón hữu cơ làm cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Cây xanh bền, thân mập, đẻ nhánh khỏe, hạt lúa sáng màu hơn so với chỉ sử dụng phân vô cơ.

Đây là mô hình áp dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật, đồng thời liên kết sản xuất với tiêu thụ, góp phần giảm rủi ro cho người dân và nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua mô hình nông dân được tập huấn các tiến bộ kỹ thuật, mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng bổ sung phân bón hữu cơ, giảm lượng bón vô cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường./.

Phùng Như

Số lượt xem: 342

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn