Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Hội nghị Triển khai thực hiện kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021 và tổng kết, đánh giá tính thích nghi của giống lúa ST24, ST25 trên đất tôm - lúa

Khuyến nông-Khuyến ngư
Thứ tư, 13/01/2021, 09:46
Màu chữ Cỡ chữ
Hội nghị Triển khai thực hiện kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021 và tổng kết, đánh giá tính thích nghi của giống lúa ST24, ST25 trên đất tôm - lúa

Sáng ngày 10 tháng 01 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tổng kết, đánh giá tính thích nghi của giống lúa ST24, ST25 trên đất tôm - lúa với 300 đại biểu và nông dân tham dự. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lưu Hoàng Ly, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quang cảnh Hội nghị

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 ở khu vực Nam Bộ sẽ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019-2020. Dự báo vụ lúa Đông - Xuân với diện tích 47.000 ha sẽ có nguy cơ thiếu nước khoảng 3.400 ha. Nếu mặn xâm nhập sớm, việc nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A sẽ tiếp tục gặp khó khăn do độ mặn tăng cao. Nguy cơ khoảng 4.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Ngoài sản xuất, việc cấp nước sinh hoạt của nhân dân vùng Nam Quốc lộ 1A, nhất là khu vực ven biển cũng có thể gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tập trung phát động phong trào làm thủy lợi, thủy nông nội đồng trong mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ nạo vét, cải tạo các tuyến kênh tạo nguồn, ...

Đối với mô hình sản xuất lúa ST24 và ST25, ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện với quy mô 3.500 ha (trong đó, huyện Phước Long 1.557 ha, huyện Hồng Dân 1.570 ha, huyện Giá Rai 374 ha): Giống lúa ST24 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác. Ngoài ra, ST24 còn có ưu điểm vượt trội hơn so với các giống như OM 2517, OM 5451, BTE1 (F lai) và một số giống địa phương khác là hầu như không xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại. Mặt khác, với bản lá đứng đặc trưng của giống cũng hạn chế được sâu cuốn lá gây hại nên đặc biệt thích hợp canh tác và nhân rộng sản xuất trên vùng đất tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh.

Ruộng mô hình trình diễn tại ấp Long Hòa, thị trấn Phước Long

Qua quá trình canh tác cho thấy, tổng chi phí của ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng xung quanh là 1,7 triệu đồng/ha. Với năng suất ước đạt trung bình 6 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng/kg cho hiệu quả cao hơn lúa một bụi đỏ 4,7 triệu đồng/ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ giống, xây dựng một hệ thống kết nối thu mua và bao tiêu sản phẩm ổn định, giúp cho nông dân an tâm sản xuất để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, kết hợp với nuôi tôm càng xanh tạo thêm giá trị gia tăng; tuyên truyền, vận động nông dân giảm lượng giống, khuyến khích ứng dụng cơ giới trong khâu gieo sạ, cụ thể là sử dụng máy sạ khóm (cụm) nhằm thay đổi thói quen sạ tay, sạ dày nhằm hạn chế việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hình thức cộng đồng, sản xuất khối lượng hàng hóa lớn và tập trung, giúp nông dân tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp thu mua. Hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm – lúa tại tỉnh Bạc Liêu theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Rất phấn khởi vì bước đầu giống lúa ST24, ST25 đã thích ứng và phát triển tốt trên vùng đất tôm – lúa của tỉnh. Để tiếp tục nhân rộng và phát triển bền vững giống lúa ST24, ST25 thì phải quan tâm và chú trọng đến chuyện bao tiêu sản phẩm cho người nông dân yên tâm sản xuất, về lâu dài, giữa doanh nghiệp và nông dân phải ngồi lại với nhau để tính, nhất là vấn đề bao tiêu sản phẩm; về phòng, chống hạn mặn, ông Hùng yêu cầu ngành nông nghiệp phải chủ động, tính toán lại việc gì làm trước, việc gì làm sau và không để khi hạn mặn đến rồi mới triển khai làm.

Trong năm 2021, tỉnh Bạc Liêu sẽ xây dựng cánh đồng lớn và liên kết bao tiêu 9 cánh đồng với diện tích 1.700 ha; dự kiến diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 được nhân rộng là 11.800 ha, trong đó vùng ngọt ổn định là 3.500 ha và vùng tôm - lúa là 8.300 ha./.

Dung Ngọc

Số lượt xem: 1771

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn