Liên kết web
Thống kê truy cập

null Hội nghị Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Tin hội thảo
Thứ sáu, 02/04/2021, 09:32
Màu chữ Cỡ chữ
Hội nghị Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 31 tháng 3 năm 2021, trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường Đại học Cần Thơ (31/3/1966 - 31/3/2021), Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị quốc tế "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu". Tham dự Hội nghị có hơn 150 đại biểu, bao gồm đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đại diện Cục Trồng trọt, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 13 tỉnh/thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), và các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị                      Ảnh: Hiếu Lê

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe kết quả của 36 chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Dự án "Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học" do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Theo giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Dự án “Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ” sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2022 với kinh phí 2.250 tỷ đồng. Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL.

Tại Hội nghị, các nhà khoa học chỉ ra rằng ĐBSCL là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên và hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.

Trên cơ sở phân tích các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác, … các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng để giải quyết những thách thức nêu trên, góp phần giúp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định thì việc đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tham luận đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Giáo sư Lý Nguyễn Bình cho biết về mặt tổng thể, cần hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển nông nghiệp: Vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước mặn, …; xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm là thủy sản – cây ăn trái - lúa gắn với các tiểu vùng kinh tế. Bên canh đó, cần triển khai các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác cây ăn trái, nuôi bò sữa hoặc lúa – cá kết hợp, …; đào tạo, tập huấn nông dân thành công nhân nông nghiệp, làm chủ được công nghệ trong canh tác nông nghiệp.

Theo Giáo sư Ishimatsu Atsushi - Cố vấn học thuật của Dự án JICA, để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có các giải pháp “thuận thiên, thuận nhân” thì mới mang tính bền vững. Theo đó, cần đánh giá chi tiết các thay đổi do biến đổi khí hậu trong tương lai, qua đó đề xuất các mô hình phù hợp với điều kiện thay đổi cụ thể; đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường của các mô hình sử dụng đất đai. Từ đó, người dân được cung cấp các thông tin hữu ích trong việc lập kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh ở các tiểu vùng kinh tế. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, cần có các chính sách theo kịp những thay đổi của biến đổi khí hậu và công nghệ 4.0 trong nông nghiệp để đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, kịp thời./.

                                                                                                                  Hiếu Lê

Số lượt xem: 872

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn