Liên kết web
Thống kê truy cập

null Hội nghị Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bản tin ngành
Thứ ba, 02/05/2023, 08:32
Màu chữ Cỡ chữ
Hội nghị Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Với mục tiêu: Chia sẽ các hành động, công cụ và sáng kiến chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) đã được triển khai nhằm phổ biến và thúc đẩy nhân rộng trong quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia và địa phương; tăng cường thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống LTTP, quản trị toàn diện và hợp tác ở tất cả các cấp, bao gồm các Công ước đa phương và đặc biệt là Công ước Rio nhằm thúc đẩy việc xây dựng các kế hoạch hành động liên quan ngành hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong hệ thống LTTP; tạo cơ hội để các đầu mối quốc gia, các liên minh, các sáng kiến và các tác nhân trong hệ thống LTTP được chia sẻ và tăng cường năng lực để hướng tới lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh do tác giả cung cấp)

Từ ngày 24 đến ngày 27/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban thư ký Chương trình lương thực thực phẩm bền vững (SFS) của Liên hợp quốc tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững với chủ đề "Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới".

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định: Theo báo cáo của FAO, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng trong năm 2020 - 2021 và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2065, chậm hơn 3,5 thập kỷ so với kế hoạch ban đầu. Vấn đề đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và bây giờ chứ không phải lúc nào khác phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau. Từ thực tế đó, ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững mà chúng tôi đã khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021. Việt Nam chân thành và trân trọng cảm ơn các tổ chức Liên hợp quốc, đặc biệt là chương trình hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp về những hỗ trợ quý báu trong thời gian qua và rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian tới. Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt tham gia chương trình hợp tác "Nam - Nam" và hợp tác "Ba bên" về nông nghiệp. Với sự tham gia mang tính trách nhiệm cao, Hội nghị sẽ có những giải pháp hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

Tại Hội nghị này, các đại biểu đã được nghe các báo cáo, các cuộc đối thoại và tập trung thảo luận xoay quanh một số nội dung như: Xem xét lại các mô hình, kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; rà soát các chính sách, quản trị quốc gia và địa phương; các mô hình tiêu thụ và sản xuất; thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo; tăng cường "hệ sinh thái hỗ trợ" của Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống LTTP của Liên hợp quốc: Huy động "hệ sinh thái hỗ trợ" của UNFSS (Hội nghị Thượng đỉnh hệ thống lương thực thực phẩm Quốc gia) nhằm thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống LTTP bền vững, linh hoạt và toàn diện; đưa ra các chỉ số để đo lường sự chuyển đổi đến năm 2030;

Các thảo luận của đại biểu cho thấy: Kinh nghiệm xây dựng kế hoạch và tiến trình hành động thực hiện hệ thống LTTP của một số quốc gia trên thế giới, sự bền vững trong hệ thống LTTP là thử thách rất lớn lao, cần hướng đến nền nông nghiệp bền vững có khả năng chống chịu; mọi người có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như lương thực thực phẩm. FAO cam kết đồng hành cùng các bên có liên quan làm tốt hơn các vấn đề: Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, môi trường tốt hơn. Chúng ta bắt đầu từ bước đi nhỏ, thực hiện các giải pháp đổi mới sáng tạo, chấm dứt đói nghèo, chia sẻ các bài học, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thành công; thực hiện những giải pháp cùng nhau mang tính đột phá, mở rộng canh tác sinh thái. Chuyển đổi hệ thống LTTP hướng đến khía cạnh bền vững, đa dạng sinh học, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang trầm trọng hơn.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá lại những kết quả đạt được đồng thời nhấn mạnh: Sau 4 ngày có sự tham dự của hơn 1.000 lượt tham gia trực tuyến, 337 đại biểu tham gia trực tiếp tại 9 phiên họp song phương giữa các bên, 11 phiên họp bên lề và 31 cuộc họp song phương, tổ chức 2 cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với các Bộ trưởng của các nước tham dự, có 5 chiến đi tham quan thực địa. Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là vấn đề trở nên cấp bách, chính vì vậy không phải lúc nào khác mà ngay từ bây giờ và chính lúc này chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn, cần thống nhất và từ thống nhất chúng ta sẽ có hành động đúng đắn. Đây là thông điệp mà chính Hội nghị chúng ta đã gửi đi. Cần phải hành động ngay để bảo vệ chính chúng ta, bảo vệ hành tinh của chúng ta, bảo vệ sự tồn tại cho chúng ta ngày hôm nay và cho các thế hệ mai sau.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi hệ thống LTTP là một trong các nội dung mà chúng ta có thể hành động ngay lập tức để góp phần thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững mà nhiệm vụ của Liên hợp quốc đã đặt ra. Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta luôn có chung một hành tinh, một sức khỏe, một hệ thống LTTP, một thịnh vượng và đây cũng là những vấn đề không thể tách rời. Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu về LTTP, Chính phủ cũng đã phê duyệt hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030. Để thực hiện được chiến lược này rất cần và mong muốn sự chung tay giúp sức của các nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc cũng như các tổ chức thành viên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế như: FAO, WWF, IRRI, … để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia.

Tăng cường sự nổ lực phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ với nhau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, … để thực hiện hai mục tiêu là giáo dục và truyền thông; phải thông qua giáo dục để nâng cao nhận thức, thông qua truyền thông để thống nhất nhận thức tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng và tiêu dùng hợp lý, tránh thất thoát lãng phí thực phẩm và có trách nhiệm với cộng đồng. Đây là thông điệp rất lớn mà chương trình, mục tiêu chúng tôi hướng đến. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là làm thế nào gắn kết trực tiếp giữa người sản xuất với người tiêu dùng, qua kênh đó hạn chế lãng phí thực phẩm. Việt Nam mong muốn phát triển một Trung tâm đổi mới, sáng tạo về hệ thống LTTP ở khu vực Đông Nam Á để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu xây dựng chính sách và thúc đẩy việc mở rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững. Hệ thống LTTP đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau; Việt Nam có một câu thành ngữ "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau"./.

          Nguyễn Văn Bo

Số lượt xem: 49

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn