null
Giải pháp hạn chế rủi ro cho tôm nuôi mô hình quảng canh cải tiến kết hợp và tôm - lúa trong thời tiết nắng nóng
110 Views
Thủy sản
Thứ hai, 17/04/2023, 08:58
Màu chữ
Cỡ chữ
Giải pháp hạn chế rủi ro cho tôm nuôi mô hình quảng canh cải tiến kết hợp và tôm - lúa trong thời tiết nắng nóng
Hiện nay, nông dân huyện Hồng Dân thả dứt điểm diện tích tôm nuôi vụ I là 26.262 ha. Tôm đang ở giai đoạn từ 01 đến 02 tháng tuổi. Những ngày gần đây, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Nếu tình hình thời tiết này kéo dài thì diện tích tôm nuôi của nông dân huyện Hồng Dân nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung khả năng sẽ gặp nhiều rủi ro.
Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân thả tôm nuôi vụ I năm 2023
Hiện tượng tôm chết nhiều hoặc chết đột ngột thường do tác động phối hợp của các yếu tố môi trường nước (oxy thấp, nước bị phèn, hàm lượng khí độc (NH4/NH3 và NO2-, H2S) gia tăng); tôm chết gia tăng từ từ qua nhiều ngày đến hàng tuần thì thường do tôm nhiễm bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, … hay do dinh dưỡng). Nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Một số giải pháp tham khảo để hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi trong mô hình quảng canh cải tiến kết hợp và tôm - lúa khi nắng nóng kéo dài:
- Giữ nước mặt trảng ao nuôi trên 0,5m, giữ mực nước mương bao đảm bảo từ 1,2 m trở lên, độ trong 30 – 40 cm để tránh sự xuất hiện của rong đáy, rong nhớt và giữ cho nhiệt độ nước được ổn định không vượt quá 320C, tránh nhiệt độ biến động ngày và đêm trên 50C.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ (bằng nhiệt kế), độ mặn (thiết bị đo độ mặn), độ trong (đĩa “secchi”), pH, NH4/NH3, NO2- và oxy (bằng “testkit”) để xử lý kịp thời.
- Khi nhiệt độ nước quá cao (trên 320C) tôm sẽ ít hoạt động, ngừng ăn, vùi mình xuống bùn, do đó tôm dễ bị đóng rong, đen mang. Trong những thời điểm nắng nóng, có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ không khí với nhiệt độ môi trường nước nên lúc này người nuôi tôm tránh thực hiện những hoạt động gây sốc cho tôm như: Thăm nhá, chài, … bởi khi đó tôm sẽ búng, nhảy lên mặt nước làm tôm bị sốc nhiệt, cong thân.
- Cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi tôm để bù vào lượng nước đã bốc hơi vào thời điểm nắng, bởi khi mực nước trong ao nuôi tôm thấp thì độ mặn thường tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, oxy giảm thấp vào ban đêm dẫn đến tôm thiếu oxy, dễ bị bệnh. Khi cấp nước vào ao nuôi cần cấp từ từ, chỉ cấp thêm khoảng 10 – 15% lượng nước vào lúc sáng sớm (trước 9 giờ) để hạn chế sự thay đổi môi trường. Trường hợp không có điều kiện làm ao lắng, khi nguồn nước ngoài sông, kênh tốt (kiểm tra các chỉ tiêu môi trường: nhiệt độ từ 26 - 320C, pH từ 7.5 – 8.5, oxy trên 4 mg/L, độ mặn >5%o, NH4/NH3 và NO2-= 0, độ kiềm từ 80 – 160 mg CaCO3/lít) cấp nước vào qua túi lọc bằng vải “kate” để loại bỏ cá tạp và các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao nuôi tôm. Đồng thời, nên sử dụng chế phẩm sinh học để tăng vi sinh vật có lợi, ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
- Khi pH dưới 7.5 (ảnh hưởng đến sự lột xác của tôm, khó gây màu nước, tăng tính độc của H2S): Bổ sung vôi CaO hoặc CaCO3, thay nước có độ pH cao hơn, bổ sung phân nếu độ trong trên 40 cm.
- Khi pH trên 8.5 (tôm khó lột xác, tôm lột xác bị dính vỏ và chết, tăng tính độc của NH3, tôm dễ bị sốc): ủ vi sinh và mật đường tạt vào ao để ổn định pH, thay nước có độ pH thấp hơn, bổ sung vôi vào lúc khoảng 21 giờ nếu tảo phát triển quá mức.
- Khi pH dao động quá 0.5 (do tảo trong ao phát triển quá mức, độ trong < 20 cm, làm cho tôm bị sốc, có thể nổi đầu vào buổi sáng sớm do thiếu oxy): Thay nước nếu có nguồn nước tốt, bổ sung vôi vào lúc khoảng 21 giờ nếu tảo phát triển quá mức.
- Khi độ kiềm dưới 80 mg CaCO3/lít (do nước có độ mặn thấp, ao nuôi có nhiều ốc đinh, làm cho tôm chậm lớn, tôm mềm vỏ, khó gây màu nước): Bổ sung CaO hoặc CaCO3.
- Khi độ kiềm trên 160 mg CaCO3/lít (do nước có độ mặn cao trên 30‰, làm cho tôm chậm lớn do khó lột xác): Thay nước có độ kiềm phù hợp.
- Quản lý độ mặn thích hợp cho mô hình tôm lúa lớn hơn 5‰, nếu tôm nuôi ở độ mặn quá thấp hay quá cao trên 30‰ sẽ ảnh hưởng tốc độ phát triển và sự lột xác của tôm.
- Quản lý độ trong thích hợp từ 30 – 40 cm. Độ trong thấp do tảo phát triển quá mức, có nhiều vật chất hữu cơ lơ lửng sẽ làm thiếu oxy vào sáng sớm, pH dao động lớn, NH3 tăng tính độc. Cách khắc phục: Quản lý mật độ tảo thích hợp, thay nước nếu có nguồn nước tốt, bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi tôm.
- Quản lý oxy thích hợp trên 4 mg/L. Cách khắc phục: Quản lý mật độ tảo thích hợp, thay nước.
- Quản lý NH4/NH3 và NO2- thích hợp dưới 0,5 mg/L, trên mức này do đáy ao có nhiều chất hữu cơ. Cách khắc phục: Thay nước, bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi tôm.
- Quản lý H2S thích hợp dưới 0,1 mg/L, nếu cao hơn do bùn đen tích tụ ở đáy ao nhiều. Cách khắc phục: Cải tạo ao tốt trước mỗi vụ nuôi, quản lý pH từ 7.5 – 8.5, thay nước, bổ sung chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy ao.
- Quản lý rong, tảo với mật độ và thành phần thích hợp sẽ làm thức ăn và nơi trú ẩn tốt cho tôm. Nếu trong ao nuôi tôm màu nước xanh đọt chuối (tảo Lục) hoặc màu vàng nâu (tảo Khuê) là tốt, nếu nước không có 2 màu trên thì cần thay nước. Xác định mật độ tảo trong ao nuôi tôm thông qua độ trong, nếu độ trong từ 0,3 – 0,4m là tốt, nếu độ trong dưới 0,2m thì cần thay nước, nếu độ trong trên 0,4m thì cần bổ sung phân. Nếu trong ao nuôi tôm có rong Bún, rong Câu, rong Đuôi chồn ít (dưới 30% diện tích ao nuôi tôm) thì tốt, nếu tỷ lệ rong lớn hơn 30% thì cần vớt bớt lên bờ ao. Nếu trong ao nuôi có rong nhớt, rong mền cần gom rong lại hoặc vớt ra khỏi ao. Để không cho rong nhớt, rong mền phát triển trong ao nuôi tôm thì cần cắt bớt gốc rạ, khi lấy nước vào trên mặt trảng lớn hơn 0,5m và bổ sung phân gây màu nước. Định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học, thả kết hợp một số loài cá ăn rong tảo, là những biện pháp quan trọng để kiểm soát rong tảo thích hợp.
- Quản lý và tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi tôm: Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để làm sạch môi trường, nền đáy ao, duy trì màu nước và phân huỷ mùn bã hữu cơ, tạo thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm./.