Xin ông cho biết một số chương trình khuyến nông trọng điểm của Bạc Liêu trong thời gian tới?
Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các TBKT vào sản xuất, đảm bảo sản xuất theo hướng đa canh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác; đảm bảo tính bền vững và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và gắn sản xuất với bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Chúng tôi kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các Viện, Trường đại học, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức kinh tế hợp tác, các tổ chức khuyến nông tự nguyện, các tổ chức tín dụng, các tổ chức khoa học phi Chính phủ của nước ngoài (thông qua các Viện, Trường). Đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các chương trình sản xuất nông thủy sản theo GAP hay VietGAP. Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của BCH TW về phát triển nông nghiệp – nông dân và nông thôn, Quyết định số 800/QĐ – CP của Chính phủ về phát triển nông thôn mới.
Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Trong 5 năm 2011-2015 ưu tiên các chương trình khuyến nông – khuyến ngư trọng điểm cho 7 xã điểm về phát triển nông thôn mới của tỉnh. Cụ thể, đối với chương trình khuyến nông trọng điểm có 29 chương trình; Khuyến nông trồng trọt 8 chương trình; Khuyến nông chăn nuôi 6 chương trình; Khuyến nông thủy sản 8 chương trình; Khuyến nông về BVTV 2 chương trình; Hội thi khuyến nông viên giỏi, hội trại nhà nông 3 chương trình; Xây dựng mô hình trình diễn và sản xuất thử 50 mô hình.
Chúng tôi quan tâm nhiều hơn khuyến nông về phát triển nông thôn mới gồm: mô hình câu lạc bộ khuyến nông - cà phê - Internet; mô hình quản lý thủy nông cộng đồng; mô hình tổ nông dân tham gia tín dụng gắn với khuyến nông; mô hình sản xuất muối trắng chất lượng cao, mô hình sinh vật cảnh gắn với du lịch sinh thái.
Giải pháp để thực hiện các chương trình này như thế nào?
Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu xác định và chuyển giao nhanh các TBKT một cách có hiệu quả vào sản xuất của tỉnh. Mỗi năm có ít nhất 3 đề tài được phê duyệt, 5 năm phấn đấu có ít nhất 15 đề tài được thực hiện. Chú trọng việc huấn luyện đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho nông ngư dân cũng như các câu lạc bộ khuyến nông, CLB nông dân, tổ liên kết sản xuất và các HTX nông nghiệp nhất là các đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Chúng tôi phối hợp các đoàn thể đào tạo huấn luyện các hội viên cơ sở. Cải tiến phương pháp tập huấn, tập trung tổ chức các lớp tập huấn theo mô hình và chuyên đề có sự tham gia của nông, ngư, diêm dân. Nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật tham gia công tác huấn luyện đào tạo. Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đẩy mạnh công tác tư vấn và dịch vụ khuyến nông – khuyến ngư. Đặc biệt, là tư vấn về kinh tế hợp tác và thị trường. Ngoài ra, còn tư vấn về kỹ thuật qua thư từ, trả lời thư qua báo, đài hoặc gặp trực tiếp người sản xuất qua công tác tiếp dân tại trụ sở để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong sản xuất. Tổ chức một số dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, khi nông dân – ngư dân yêu cầu, để tăng thu nhập ngoài lương giải quyết khó khăn cho cán bộ, viên chức.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh Phong – Báo Nông nghiệp Việt Nam