Đây là một Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Lấy đơn vị cấp xã là cơ sở để triển khai thực hiện, nội dung cụ thể được quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình bao gồm: Vốn ngân sách (Trung ương và địa phương) khoảng 40% (vốn trực tiếp từ chương trình khoảng 17% và vốn từ các chương trình lồng ghép khác khoảng 23%); vốn tín dụng (bao gồm tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại) khoảng 30%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Xã Nông thôn mới Vĩnh Thanh
Tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức triển khai thực hiện chương trình ở tất cả 50 xã, và đặt mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 sẽ có 26% trong tổng số xã cơ bản đạt chuẩn (so với chỉ tiêu chung của cả nước là 20%). Tuy nhiên, đến đầu năm 2015 do điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn nên đã điều chỉnh mục tiêu đến cuối năm 2015 cả tỉnh có 10 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 20%). Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2015, kết quả xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:
- Số xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới: 10 xã (trong đó có 06 xã được công nhận, 04 xã còn lại đang hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận)
- Số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí: 09 xã.
- Số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí: 20 xã.
- Số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí: 11 xã.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhất là trong thời gian đầu do nhận thức của một số địa phương xem đây là một Chương trình xây dựng cơ bản là chính nên có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của ngân sách để tổ chức thực hiện, nhưng thực tế nguồn lực đầu tư từ ngân sách là rất hạn chế và không đáp ứng được yêu cầu đặt ra của việc thực hiện Chương trình, bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng dân cư là rất hạn chế.
Xuất phát từ những khó khăn cơ bản đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình tỉnh đã bằng nhiều giải pháp như: Quán triệt trong cấp Ủy các cấp; tập huấn, đào tạo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho đội ngũ cán bộ công chức, nhân dân; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phát động phong trào thi đua, v, v, … Nhằm mục đích giúp nhận thức rõ mục tiêu, nội dung thực hiện Chương trình, tạo bước đột phá, chỉ đạo cả Hệ thống chính trị cùng vào cuộc lãnh đạo toàn thể nhân dân xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình phụ trách. (Công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới được quan tâm và thực hiện xuyên suốt, đến nay Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được trên 5.093 cuộc với 262.505 lượt người tham dự. Trong đó, các cấp Hội, Đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền được 4.243 cuộc với 149.476 lượt người tham dự; xây dựng trên 107 cụm Pano, 10.000 áp phích, 118 cổng chào, 645 băng rol, khẩu hiệu, trên 298.400 tờ rơi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và cấp phát 1.000 sổ tay; cộng tác với báo, đài đưa 2.189 tin, bài, phóng sự về xây dựng nông thôn mới, gương người tốt việc tốt, phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh định kỳ hàng tháng với chuyên mục “Nông thôn mới Bạc Liêu” được 33 kỳ; trang bị báo Nông nghiệp Việt Nam đến 50 xã với số lượng 5 tờ/tuần/năm 2012)
Từ đó, đã tạo ra được sự chuyển biến tốt trong toàn Hệ thống chính trị cũng như trong cộng đồng dân cư, trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, việc huy động nguồn lực của toàn xã hội (vốn tín dụng, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân) là rất cần thiết, nhiều mô hình, cánh làm hay đã dần xuất hiện tại các địa phương như những công trình, phần việc thiết thực, gắn với đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên cơ sở thỏa thuận thống nhất tỷ lệ tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, ngõ, xóm, công trình thủy lợi, nhà văn hóa ấp, trường học, trạm y tế), nguồn lực của dân tham gia: Hiến đất, ngày công lao động, tiền, v, v, … hay nhân dân tự thực hiện: Chỉnh trang nhà cửa, tường rào – rào cây xanh, hố xí hợp vệ sinh, hố rác gia đình, tạo cảnh quan môi trường sống xanh, sạch, đẹp, v, v, …
Việc huy động phù hợp với khả năng và đặc điểm của từng đối tượng người dân, không có tình trạng huy động vượt quá sự đóng góp, huy động theo hình thức hành chính, huy động thiếu sự đồng thuận của cộng đồng. Nhiều địa phương, Hội, Đoàn thể đã vận động nhân dân, hội viên của mình, huy động nguồn lực phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong đóng góp xây dựng và thụ hưởng các công trình nông thôn mới (Nhân dân tham gia ngày công xây dựng đường liên ấp, cán bộ công chức tham gia ngày thứ 7 chủ nhật giúp dân, Đoàn Thanh niên thực hiện những tuyến đường giao thông nông thôn kiểu mẫu; Hội Phụ nữ vận động từng hội viên thực hiện xây dựng hố rác gia đình; Hội Nông dân vận động Hội viên phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, giúp tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, v, v, …).
Sau hơn 04 năm thực hiện Chương trình, tổng nguồn vốn người dân đóng góp thưc hiện trên 1.034,010 tỷ đồng, chiếm 17,85% tổng nguồn vốn (trong đó hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng Nhà văn hóa ấp, trường học, trạm y tế, ô đê bao khép kín; với diện tích 524.635m2, ngày công lao động quy ra tiền, giá trị tương đương 112,296 tỷ đồng, và 921 tỷ đồng người dân đầu tư vào phát triển sản xuất). Tổng nguồn vốn huy động và lồng ghép được 5.791,723 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn đầu tư trực tiếp chương trình: 1.045,775 tỷ đồng (chiếm 18,06%), trong đó: Ngân sách Trung ương là 392,352 tỷ đồng (chiếm 6,77%); Ngân sách điạ phương (tỉnh, huyện, xã) là 653,418 tỷ đồng (chiếm 11,29%).
- Vốn lồng ghép: 946,614 tỷ đồng (chiếm 16,34%).
- Vốn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế: 619,479 tỷ đồng (chiếm 10,70%).
- Vốn tín dụng: 2.145,845 tỷ đồng (chiếm 37,05%).
- Vốn huy động cộng đồng dân cư: 1.034,010 tỷ đồng (chiếm 17,85%).
Đạt được kết quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo các cấp; Trung ương hỗ trợ phân bổ nguồn lực hàng năm; sự phối hợp của các Cấp, các Ngành, các Đoàn thể và cả hệ thống chính trị; tạo sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới; từ đó có những cách làm hay, sáng tạo, phương thức vận động phù hợp trong huy động các nguồn lực người dân đã phát huy được hiệu quả để thực hiện Chương
trình./.
Lê Minh Điền