Liên kết web
Thống kê truy cập

null Chuyển đổi giống cây trồng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn

Giống, cây trồng và vật nuôi
Thứ ba, 02/06/2020, 11:51
Màu chữ Cỡ chữ
Chuyển đổi giống cây trồng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn

- Giống lúa chịu mặn, chịu hạn: Trong những năm qua, Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các Viện, Trường Đại học, các tổ chức quốc tế thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất thử, trình diễn, chọn tạo được bộ giống lúa có khả năng chịu mặn từ 4 - 6‰, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: Giống OM 10252, OM 6600, OM 5629, OM 5954, v, v, ... phù hợp trên vùng đất thường xuyên nhiễm mặn (vùng canh tác lúa trên đất nuôi tôm) tại thị xã Giá Rai, huyện Phước Long và Hồng Dân và các giống lúa chịu hạn OM 6162, OM 7347 phù hợp với khu vực cuối nguồn nước ngọt, khu vực gần các cống ngăn mặn, giữ ngọt.

           

                                               Các giống lúa chịu hạn, mặn.   Ảnh minh họa

 

- Giống lúa cao sản chất lượng cao, lúa thơm: Đã khảo nghiệm và chọn tạo được 28 giống lúa cao sản, chất lượng cao, ngắn ngày, trong đó có  5 - 7 giống lúa được trồng phổ biến, chiếm tới khoảng 70% diện tích gieo trồng lúa, gồm các giống lúa chất lượng cao (OM 4900, OM 5451, 6976, 2517, RVT, v, v, ...) và giống lúa thơm (Nàng Hoa 9, ST20, v, v, ...).

- Thực hiện luân canh cây trồng trên đất trồng lúa: Qua quá trình thực hiện chuyển đổi sản xuất giai đoạn 2001-2005 trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên 03 tiểu vùng sinh thái, đó là: Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái ngọt) quy mô diện tích đất tự nhiên 75.720 ha ( trong đó đất dùng vào nông nghiệp 67.973 ha); Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái lợ) quy mô diện tích đất tự nhiên 81.504 ha (trong đó đất dùng vào nông nghiệp 76.547 ha); vùng phía Nam Quốc lộ 1A (sinh thái mặn) quy mô diện tích đất tự nhiên 99.870 ha (trong đó đất dùng vào nông nghiệp 81.049 ha). Các tiểu vùng này đã đi vào sản xuất ổn định từ năm 2006 đến nay, hiện chỉ còn một số diện tích sản xuất lúa (395 ha) ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A (khu vực huyện Đông Hải) do nông dân chưa thực hiện chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản; đối với vùng giữ ngọt ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước ngày càng tăng do nông dân thực hiện cải tạo vườn tạp, không có diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện mô hình luân canh trên nền đất lúa: Mô hình 02 lúa – 01 màu đối với Tiểu vùng giữ ngọt ổn định và mô hình 01 vụ lúa – 01 vụ màu đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A, với một số cây trồng luân canh trên nền đất lúa như: Rau, đậu thực phẩm (dưa hấu, đậu bắp, đậu đũa, bí đỏ, bí xanh, rau các loại, v, v, …) và cây bắp. Năm 2014, diện tích trồng màu trên ruộng là 564 ha, trong đó bắp 30 ha, các loại rau màu khác là 534 ha. Năm 2015, diện tích trồng màu trên ruộng là 643 ha, trong đó bắp 37 ha, các loại rau màu khác là 606 ha.

Kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016- 2020.

- Quy mô, địa bàn chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016-2020:

+ Dựa trên điều kiện đất đai, nguồn nước, nhu cầu thị trường tiếp tục nhân rộng mô hình 02 vụ lúa - 01 vụ màu ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định (tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn Châu Hưng, xã Châu Hưng A, xã Hưng Hội và xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi; xã Vĩnh Phú Đông, Hưng phú, huyện Phước Long), cây trồng chủ lực luân canh trên nền đất lúa là cây bắp (ngô) làm thức ăn chăn nuôi và cây đậu nành (đậu tương); quy mô diện tích sản xuất 50 ha (bắp) vào năm 2016 và 3.000 ha (trong đó bắp 2.500 ha, đậu nành 500 ha) vào năm 2020.

+ Đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A : Chuyển đổi toàn bộ diện tích đất 01 vụ lúa (395 ha) của huyện Đông Hải sang nuôi trồng thủy sản vào năm 2020; giữ ổn định mô hình 01 lúa – 01 màu ở thành phố Bạc Liêu (450 ha/năm).

- Nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới:

+ Tiếp tục phối hợp với các Viện, Trường nghiên cứu chọn tạo và nhân rộng các giống lúa chịu mặn tới 7- 10‰ giai đoạn đòng trổ thay thế các giống lúa hiện tại, giống chịu ngập và các giống chịu hạn thích ứng biến đổi khí hậu.

+ Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, màu.

+ Tiếp tục tuyên truyền vận động, phát động nông dân, hướng dẫn lộ trình đưa màu xuống ruộng dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác tốt lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí tượng, thủy văn, tập quán canh tác, v, v, ... gắn với sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.

+ Nhân rộng mô hình lúa – màu dựa trên cơ sở khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt khâu bảo quản, đẩy mạnh chế biến, tăng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

+ Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ như: Đường giao thông, hệ thống điện, nhất là hệ thống thủy lợi, đối với những vùng có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết với nông dân sản xuất gắn với chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn.

+ Tập trung nghiên cứu, chuyển giao nhanh các giống cây trồng cạn chủ lực như: Bắp, mè, đậu xanh, đậu nành, v, v, … có đặc tính chống chịu điều kiện bất lợi, cho  năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường./.

Số lượt xem: 718

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn