Liên kết web
Thống kê truy cập

null Châu chấu sa mạc có thể gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam

Trồng trọt
Thứ ba, 07/07/2020, 09:26
Màu chữ Cỡ chữ
Châu chấu sa mạc có thể gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam

 

Theo bản tin ngày 27/5/2020 từ Phòng thông tin về châu chấu sa mạc của FAO (DLIS, FAO) về tình hình gây hại và dự báo về hướng di chuyển của châu chấu sa mạc thì trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2020 châu chấu sa mạc tiếp tục sinh sản, lây lan và gây hại ở khu vực Đông Phi, một số quốc gia ven biển đỏ và phía Nam Iran, có khả năng di cư sang một số nước khu vực Nam Á (Pakistan và Ấn Độ) theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây, từ đó có thể xâm nhập vào Việt Nam.
            
           Châu chấu sa mạc trưởng thành (Nguồn FAO)
Mặc dù tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận sự xuất hiện của châu chấu sa mạc, song nguy cơ bị dịch châu chấu sa mạc xâm hại là khá hiện hữu, buộc chúng ta không thể chủ quan, xem nhẹ. Hiện nay, châu chấu sa mạc đã xuất hiện ở Pakistan, Ấn Độ và có nguy cơ di chuyển xuống khu vực các nước Myanmar, Lào, Banglades và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Nếu dịch bùng phát tại các khu vực kể trên, sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã từng ghi nhận những tổn thất nghiêm trọng trong ngành nông nghiệp bởi các đợt dịch châu chấu, song kinh nghiệm, giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của Việt Nam với đối tượng này đến nay vẫn còn hạn chế. Do vậy, nếu để xảy ra các đợt dịch quy mô rộng, nghiêm trọng như đang diễn ra tại Châu Phi, Trung Đông, Nam Á hiện nay thì hậu quả là rất nặng nề.
Theo các tài liệu của FAO, vòng đời của châu chấu sa mạc gồm 3 giai đoạn: Trứng, châu chấu non (ấu trùng) và trưởng thành. Thời gian trung bình của vòng đời khoảng 2 - 6 tháng, thời gian vòng đời thay đổi phụ thuộc vào thời tiết và điều kiện sinh thái.
Châu chấu sa mạc có các đặc tính của một loài dịch hại nguy hiểm với sức phá hoại rất lớn: (i) Châu chấu sa mạc có hệ số sinh sản cao và khả năng nhân đàn nhanh chóng; (ii) Cá thể châu chấu trưởng thành có thể tiêu thụ lượng thức ăn tương đương trọng lượng cơ thể của nó (khoảng 02 gram), kích thước một đàn châu chấu sa mạc thường là 10 km2, một đàn châu chấu sa mạc cỡ nhỏ (khoảng 40 triệu con) sẽ tiêu thụ lượng thức ăn tương đương dành cho 35.000 người trong một ngày; (iii) Khi châu chấu sa mạc phát triển thành đàn chúng có thể di chuyển rất xa và nhanh để tìm kiếm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng, đặc biệt dưới tác động của gió, hoặc lốc xoáy.
Dự báo trong thời gian tới, châu chấu sa mạc có thể xâm nhập vào Việt Nam và gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, nguy cơ giảm năng suất, sản lượng nếu không có các biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, hiệu quả (Cục Bảo vệ thực vật, 2020).
Công bố dịch: Theo Nghị định số 116/2014/NÐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Phân cấp mức độ đàn châu chấu theo diện tích để áp dụng các hành động tương ứng:
Cấp 1: Trong phạm vi 1 km2 (< 100 ha);
Cấp 2: >1-10 km2 (100 - 1.000 ha);
Cấp 3: >10-100 km2 (1.000 - 10.000 ha);
Cấp 4: >100-500 km2 (10.000 - 50.000 ha);
Cấp 5: > 500 km2 (>50.000 ha).
Trong đó: Khi đàn châu chấu ở cấp 1 hoặc 2 thì địa phương chủ trì công bố dịch, dập dịch; cấp 3 hoặc 4 thì Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, chỉ đạo dập dịch; cấp 5 thì Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dập dịch.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, thực hiện tổng hợp các biện pháp phòng trừ khi châu chấu xuất hiện và gây hại, bao gồm:
Biện pháp thủ công:
Theo dõi sát tình hình mật độ châu chấu, nếu mật độ cao có thể dùng vợt bắt; đập châu chấu bằng các cành cây; rải rơm trên địa điểm châu chấu đậu và đốt; đốt lửa dùng ánh sáng hoặc gây tiếng ồn để ngăn chặn đàn châu chấu trưởng thành không đậu trên cây trồng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể ngăn chặn một số thiệt hại của châu chấu gây ra đối với cây trồng nếu sự lan tràn của châu chấu là nhẹ.
Biện pháp sinh học:
Sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc: Các sản phẩm tự nhiên như chiết xuất từ cây Neem có khả năng trừ châu chấu hoặc gây chán ăn, xua đuổi, ngăn cản châu chấu đẻ trứng, lột xác và làm giảm khả năng sinh sản. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả lâu dài, an toàn, bảo vệ thiên địch và môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả chậm và thường thấp hơn so với thuốc trừ sâu thông thường.
Biện pháp hóa học:
Khi đàn châu chấu mới xâm nhập: Do châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước. Những diện tích còn lại huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Trường hợp châu chấu di chuyển xuống gây hại cây trồng nông nghiệp và đẻ trứng: Cần khoanh vùng và phun trừ ngay bằng thuốc hóa học khi châu chấu còn co cụm chưa phát tán rộng. Nên phun bao vây vào sáng sớm hoặc chiều mát vì đây là thời điểm châu chấu ít di chuyển. Có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học có hoạt chất như: Diflubenzuron, Fenitrothion, Deltamethrin, Esfenvalerate, ...  để phun trừ châu chấu sa mạc.
Trong quá trình tổ chức phòng trừ, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, đồng loạt, tập trung, trong khu vực phun thuốc tuyệt đối không được chăn, thả gia súc, gia cầm. Áp dụng đồng thời hai phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nước và dạng khói nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực diệt trừ châu chấu.
Hiện nay, trong công tác phun hóa chất diệt châu chấu sa mạc, một phương pháp đang được các nước trên thế giới áp dụng phổ biến là sử dụng máy phun thuốc ULV (Ultra low volume spraying) để tổ chức phun không gian: Phun dưới dạng mù lạnh, hạt siêu nhỏ. Phương pháp này đem lại hiệu quả phòng trừ cao và không gây lãng phí thuốc bảo vệ thực vật./.
                                                                                              Lê Hiếu

Số lượt xem: 2472

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn