Khi dịch cúm gia cầm lan rộng trong cả nước thì nhà bác Chên đang có 1.500 con vịt đẻ cho năng suất cao. Thời gian này bác đã phải tiêu huỷ hết số
vịt, gà vì nhà nằm trong vùng bán kính có dịch cúm. Bác vốn là người nông dân chất phác một nắng hai sương với đồng ruộng, đàn vịt, thế nên khi bị dịch cúm cướp đi hết số vịt bác luôn trăn trở phải làm sao để khôi phục lại đàn vịt đẻ mà từ trước tới nay là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Sau khi khống chế được dịch cúm gia cầm, Chính phủ có chủ trương cho nuôi lại đàn gia cầm có kiểm soát, thì bác đã mạnh dạn đầu tư mua liền 1.200 con vịt đang đẻ với giá 60.000 đồng/con về nuôi tại ao nhà (có tiêm ngừa cúm H5N1) kết hợp với nuôi cá để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Chỉ trong 04 tháng đầu bác đã lấy lại vốn và duy trì được đàn vịt đẻ đến thời điểm này.
Với 03 nhân khẩu là lao động chính trong gia đình và diện tích đất ruộng nhà có 20 công, bác mướn thêm 30 công để trồng lúa. Những năm trước, khi diện tích đất ruộng còn rộng và chăn vịt thả đồng nên chi phí đầu tư thức ăn thấp tạo lợi nhuận cao. Nhưng trong những năm gần đây tỉnh nhà đang qui hoạch khu công nghiệp, đất ruộng cũng đang được chuyển đổi dần dần nên số lượng đàn vịt cũng được bác giảm bớt xuống còn 900 con năm 2008 và đến thời điểm này là 650 con. Với kinh nghiệm 30 năm nuôi vịt đẻ bác tâm sự: “Nếu nuôi vịt đẻ mà không cho chạy đồng thì đầu tư thức ăn cao, tỷ lệ đẻ thấp nên lợi nhuận không cao. Nhưng tôi cũng nhờ là vừờn đất và ao nhà rộng nên tận dụng được để nuôi bán chăn thả, khi xong vụ lúa thì thả ra ruộng nhà còn khi nuôi nhốt lại tận dụng thức ăn tại địa phương sẵn có như lúa nhà, đầu tôm của xí nghiệp chế biến thuỷ sản để nâng cao sản lượng trứng thì mới có lời”. Với 10.000m2 đất vườn và ao bác qui hoạch làm 2 ao riêng biệt, một ao lớn rộng khoảng 1 công chuyên để nuôi vịt + cá, ao còn lại nhỏ hơn nhưng bác kết hợp trồng cây ăn trái trên bờ như xoài, ổi để tạo bóng mát và có nguồn nước lưu thông giữa các ao. Trong những tháng nuôi nhốt với 650 vịt đẻ thì mức đầu tư cho ăn một ngày là: 3 giạ lúa + 100kg đầu tôm, với giá lúa hiện tại 82.000 đồng/giạ và giá đầu tôm 2.200 đồng/kg, tổng chi khoảng 460.000 đồng. Một ngày đêm 650 con vịt cho khoảng 350 trứng, với giá bán hiện tại 2.000 đồng/trứng sẽ cho thu về 700.000 đồng/ngày, trừ chi phí, công lao động cũng cho lời khoảng 200.000 đồng/ngày. Như vậy một năm cũng cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ nuôi vịt. Bên cạnh đó hai ao bác thả các loại cá như: cá điêu hồng, cá rô phi, cá chim trắng, cá trắm, một năm tát bắt một lần khoảng 1,7 tấn, trừ chi phí cũng thu về hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra còn các nguồn thu thêm từ cây xoài khoảng 5 triệu đồng, các cây ăn trái khác bác thu được 8 triệu đồng.
Như vậy với mô hình chăn nuôi vịt đẻ kết hợp với nuôi cá và trông cây ăn trái bác Hai Chên một năm cũng thu nhập được trên 100 triệu đồng. Đây thật sự là mô hình chăn nuôi hiệu quả và hạn chế được sự lây lan dịch bệnh trong vùng mà cần được nhân rộng cho các nông hộ có điều kiện chăn nuôi vịt để tạo thành vùng nuôi “An toàn sinh học” đưa được sản phẩm sạch ra thị trường theo hướng phát triển bền vững.
Nguyễn Đình Thi - TTKNKN Bạc Liêu
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia