Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Bạc Liêu: Triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số cơ sở nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023

Thủy sản
Thứ ba, 28/02/2023, 08:57
Màu chữ Cỡ chữ
Bạc Liêu: Triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số cơ sở nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, khi cá nhân và tổ chức có tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì các cơ sở nuôi phải chủ động liên hệ cơ quan quản lý thủy sản địa phương làm hồ sơ, thủ tục để đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc cấp mã số nuôi còn góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quy định thì thế, nhưng việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm để phục vụ truy xuất nguồn gốc của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn, kết quả đạt được thấp.

SỰ CẦN THIẾT

Bạc Liêu là tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là trong trong những tỉnh, thành phố có tiềm năng và lợi thế phát triển ngành tôm, trong thời gian qua phát triển ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển NTTS của tỉnh Bạc Liêu và ngành tôm Việt Nam.

Hội nghị tuyên truyền Luật thủy sản

Theo báo cáo Chi cục Thủy sản tỉnh, kết quả sản xuất năm 2022 cho thấy tổng diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản đạt 138.269 ha (tăng 0,58% kế hoạch và tăng 0,56% cùng kỳ), trong đó diện tích canh tác nuôi tôm 134.059 ha (tăng 0,38% kế hoạch và 0,34% cùng kỳ), với nhiều loại hình sản xuất nuôi trồng đa dạng mang lại lợi ích kinh tế, giá trị sản xuất thủy sản cao (điển hình là mô hình siêu thâm canh; thâm canh, bán thâm canh 27.388 ha tăng 4,14% kế hoạch và tăng 8,04% cùng kỳ; tôm – lúa: 41.541 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 5,42 cùng kỳ). Bên cạnh đó, sản xuất sạch, hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều công ty, doanh nghiệp ứng dụng, cụ thể: Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có 07 HTX, tăng 02 HTX so với năm 2021; 05 công ty doanh nghiệp, tăng 01 công ty so năm 2021 được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 18 đơn vị, tăng 03 đơn vị so năm 2021 được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (BAP, GlobalGAP, ASC) trong NTTS. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 343.410 tấn (tôm 224.697 tấn, cá và thủy sản khác 118.713 tấn), tăng 2,33% kế hoạch và tăng 21,04 % cùng kỳ. Hiện nay, thủy sản vẫn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với trọng tâm là nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn.

Từ khi Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền đến cá nhân, tổ chức hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tỉnh biết và thực hiện nghiệm theo quy định. Tuy nhiên, đến nay (cuối tháng 02/2023), số cơ sở nuôi tôm đăng ký đến nay chiếm khoảng 7% so tổng số (thực tế có khoảng 49.800 cơ sở, trong đó STC; TC; BTC: 11.800 cơ sở; các mô hình QCCT-KH; tôm – lúa; tôm – rừng có khoảng 38.000 cơ sở), với kết quả này chiếm rất thấp so với thực tế, gây khó khăn trong trong công tác quản lý Nhà nước nói chung sẽ góp phần làm ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ tôm nuôi vào các thị trường khó tính.

Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đăng ký, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức hoạt động nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực là rất cần thiết. Bởi vì, theo quy định của Luật Thủy sản 2017 thì tôm sú, tôm thẻ chân trắng cùng với một số đối tượng thủy sản nuôi khác, các cơ sở nuôi phải đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc cấp mã số nuôi còn góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi còn là một trong những nhiệm vụ giải pháp góp phần cùng với toàn ngành Nông nghiệp và PTNT hiện thực mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp về giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại về tôm của cả nước.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Theo Chi cục Thủy sản, trong thời gian qua, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (trực tiếp là Chi cục Thủy sản) đẩy nhanh tiến độ đăng ký xác nhận các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Đến nay  đã đạt được nhiều kết quả, tạo động lực phấn đấu trong thời gian tới. Cụ thể:

Đến cuối tháng 02/2023, kết quả cấp mã số cơ sở nuôi đạt được là 3.484 cơ sở (gấp 5 lần so năm 2021) với diện tích  6.624,43 ha (9.403 ao) trong đó: Thành phố Bạc Liêu 191 cơ sở với diện tích 428,46 ha (1.447 ao); thị xã Giá Rai 114 cơ sở với diện tích 229,58ha (205 ao); huyện Hòa Bình 296 cơ sở với diện tích 600,55 ha (1.660 ao); huyện Đông Hải 1.140 cơ sở với diện tích 1.729,38 ha (3.819 ao); huyện Vĩnh Lợi 96 cơ sở với diện tích 140,29 ha (281 ao); huyện Hồng Dân 403 cơ sở với diện tích 936,46 ha (499 ao); huyện Phước Long 1.244 cơ sở với diện tích 2.559,71 ha (1.492 ao).

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành nhiều văn bản (Công văn 93/SNN-CCTS ngày 17/02/2020; Công văn 561/SNN-CCTS ngày 27/5/2021, Công văn 948/SNN-CCTS ngày 18/7/2022, Công văn số 160/CCTS-NTTS ngày 07/9/2022 triển khai cấp mã số xác nhận cơ sở nuôi đối tượng chủ lực cho các HTX/THT trên địa bàn tỉnh, và Kế hoạch số  26/KH-SNN ngày 25/3/2022 về việc đăng ký, cấp mã số xác nhận cơ sở nuôi đối tượng chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; đặc biệt, mới đây Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành Công văn số 208/SNN-CCTS ngày 27/02/2023)  nhằm chủ động phối hợp với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền và tạo chuyển biến tích cực trong quá trình triển khai thực hiện cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đánh giá: Trong thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của các cấp; sự phối kết hợp của các ngành, các địa phương đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp mã số cơ sở nuôi. Bên cạnh đó, hiện nay đã có một số địa phương đã quan tâm hơn đến việc cấp mã số cơ sở nuôi, thời gian qua đã chủ động phối hợp, chỉ đạo các đơn vị cấp dưới triển khai cho các hộ nuôi tôm thực hiện việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi; từ đó kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị, tổ chức các chương trình, Dự án để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn, vận động cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký xác nhận đối tượng nuôi chủ lực.

Cũng theo Chi cục Thủy sản, mặc dù việc cấp mã số vùng nuôi có tăng so với những năm trước, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, tiến độ thực hiện vẫn rất thấp so với thực tế nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi đến người dân còn chậm. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người nuôi chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký nuôi đối tượng thuỷ sản chủ lực và đây là loại thủ tục hành chính mới người nuôi tôm còn khá lúng túng khi chuẩn bị thành phần hồ sơ đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc. Ngoài ra, còn liên quan đến tình trạng các cơ sở nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ, không có hợp đồng thuê đất dài hạn,… Vì vậy, người dân gặp khó khăn khi thiết lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm nước lợ (tôm sú, thẻ chân trắng) chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng cũng như quyền lợi (do người nuôi tôm thấy rằng giá tôm thương phẩm không khác biệt) của việc đăng ký cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Để đẩy mạnh việc cấp mã số cơ sở nuôi, cần tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Phấn đấu đến hết năm 2023, có 100% các Công ty, Doanh nghiệp, hộ nuôi tôm siêu thâm canh; thâm canh; bán thâm canh và 100% các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nuôi được cấp mã số cơ sở nuôi. Để đạt mục tiêu trên, cần quyết liệt triển khai các giải pháp như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký đối tượng nuôi thủy sản chủ lực theo quy định Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Vận động tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên địa bàn theo đúng quy định. Trước mắt tập trung triển khai đăng ký đối với mô hình siêu thâm canh; thâm canh, bán thâm canh cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

3. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo Phòng kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Hội Nông dân và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn có nuôi đối tượng chủ lực triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 26/KH-SNN ngày 25/3/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp mã số xác nhận cho cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực theo quy định Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

4. Đối với các đơn vị trực thuộc Sở: Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Sở, Ban, Ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn, Hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn Luật Thủy sản và các văn bản liên quan kết hợp với triển khai cho các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực.

5. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần chủ động liên hệ với chính quyền địa phương (cấp xã, cấp huyện,...) để được hướng dẫn thiết lập hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp mã số theo quy định; nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC,… để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân nhấn mạnh: Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 thì tôm sú, tôm thẻ chân trắng là 02 đối tượng thủy sản nuôi phải đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Do vậy, đây chính là một loại thủ tục hành chính bắt buộc nếu như các tổ chức, cá nhân không thực hiện có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 1, điều 17, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh cấp mã số cơ sở nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của Bạc Liêu nói riêng, tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới và cần được tỉnh Bạc Liêu quan tâm cũng như triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn. Vì vậy, cần triển khai thực hiện một các đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để đạt nhiều kết quả trong thời gian tới.

Trần Thanh Thiện

Số lượt xem: 138

Tin đã đưa
© SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823826. Fax: 02913.823944  Email: snnptnt@baclieu.gov.vn