Để nhận biết được bệnh Dịch tả heo Châu Phi dựa vào dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và bệnh tích mổ khám:
- Về dịch tễ: Đã tiêm phòng vắcxin dịch tả heo cổ điển đủ mũi (dịch tả thông thường), nhưng bệnh vẫn xảy ra, dùng kháng sinh điều trị không khỏi bệnh (vì hiện nay bệnh Dịch tả heo Châu Phi chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu)
- Về triệu chứng lâm sàng: Sốt đột ngột, sốt rất cao 41 - 43 độ C và duy trì trong suốt quá trình phát bệnh, heo rất đau khi đi đại tiểu tiện; nổi những nốt xuất huyết ngoài da nhanh chóng trở nên xanh tím, chảy máu từ các lỗ tự nhiên miệng, mũi, heo chết xác cứng nhanh.
- Về bệnh tích: Phổi bị phù thũng và có xuất huyết điểm trên bề mặt; lách, gan sưng rất to, mép tù, có nhiều điểm xuất huyết, nhồi huyết trên bề mặt gan và xung quanh rìa lách; cơ tim, vành tim xuất huyết, trong xoang tim có nhiều dịch thẩm xuất có màu vàng đặc hoặc vàng đục với nhiều sợi fibrin; đường tiêu hóa: ruột, dạ dày viêm loét, hoại tử; các hạch lâm ba sưng to. Để phân biệt bệnh Dịch tả heo Châu Phi với bệnh dịch tả heo cổ điển phải lấy mẫu xét nghiệm xác định type kháng nguyêngây bệnh.
Bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên các loài heo, gồm heo nhà và heo rừng, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, có đặc điểm lây lan nhanh, bệnh này không lây sang người; hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, heo mắc bệnh tỷ lệ chết gần như 100%, bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước,Vi rút gây bệnh Dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, heo đã khỏi bệnh có khả năng mang Vi rút trong thời gian dài nên trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh thì rất khó loại trừ được mầm bệnh; vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện bệnh và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
2. Tình hình dịch bệnh
Từ cuối năm 2017 đến ngày 14 tháng 9 năm 2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo đã xảy ra bệnh Dịch tả heo Châu Phi, trong đó có Trung Quốc là nước giáp biên giới Việt Nam. Trung Quốc có tổng cộng 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh, số heo mắc bệnh, chết tiêu hủy hơn 38.000 con, dịch bệnh đang có chiều hướng lây sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc, giáp biên giới các tỉnh phía Bắc Việt Nam, cho nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao, do việc mua bán nhập lậu heo và các sản phẩm thịt heo từ Trung Quốc sang Việt Nam không kiểm soát được chặt chẽ và do người chăn nuôi chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; do lượng khách du lịch tăng, nhất là khách đến từ những vùng có dịch có thể mang mầm bệnh làm lây lan dịch bệnh. Đây là những nguyên nhân chính làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
3. Biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nghiêm về công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm chủ động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi có khả năng xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, đồng thời phân công, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân nhập lậu vào địa bàn tỉnh;
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh: Mua heo và các sản phẩm từ heo phải biết rõ nguồn gốc; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi;
- Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các vùng chăn nuôi tập trung, những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nếu phát hiện heo nghi mắc bệnh dịch tả, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý tiêu hủy kịp thời, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định; không để dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng;
- Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức triển khai tiêm phòng các loại vắc xin khác như dịch tả, tai xanh heo, lở mồm long móng cho đàn gia súc, để tạo kháng thể chủ động, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm phát sinh;
- Các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tăng cường công tác kiểm dịch trực 24/24 để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh;
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm những vi phạm trong mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
- Khi phát hiện có bệnh Dịch tả heo ChâuPhi xảy ra trên địa bàn tỉnh, áp dụng ngay các biện pháp sau:
+ Phải báo ngay cho nhân viên thú y hoặc chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn nơi gần nhất.
+ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế hoặc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ kỹ thuật xuống xác minh, báo cáo nhanh với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đồng thời phối hợp với cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh. Nếu có kết quả dương tính với vi rút Dịch tả heo Châu Phi, ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ đàn heo, sản phẩm heo, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín; thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững./.