Tôm bị thiệt hại giai đoạn 20 – 75 ngày tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh đốm trắng, đầu vàng, vi bào tử. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bạc Liêu đã ban hành công văn số 262 ngày 27/4/2011 khuyến cáo đến bà con một số điểm cần lưu ý những vấn đề sau:
1/ Đối với diện tích chưa thả giống: bà con cần chú trọng hơn nữa việc cải tạo ao đầm đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiêu diệt hết các mầm bệnh trong ao nuôi, chọn thả con giống đã qua xét nghiệm (người nuôi tôm nên xét nghiệm thêm bệnh vi bào tử - đối tượng đang gây thiệt hại khá lớn đối với diện tích tôm nuôi).
2/ Đối với diện tích tôm nuôi đã thiệt hại: cần tiến hành xử lý triệt để mầm bệnh trong ao nuôi bằng hoá chất (Chlorine, Iodine…) sau đó mới xả nước ra môi trường ngoài (nếu có ao lắng nên trữ nước trước khi tiến hành xả). Sau đó tiến hành cải tạo theo đúng quy trình kỹ thuật: sên vét bùn đáy, bón vôi, phơi ao, lấy và xử lý nước. Khuyến cáo bà con không nên nóng vội mà cần cải tạo ao nuôi, xử lý nước đạt các yêu cầu kỹ thuật, lựa chọn con giống tốt, đạt tiêu chuẩn mới tiến hành thả lại.
3/ Khuyến cáo người nuôi không nên lạm dụng các chất kháng sinh trong quá trình phòng bệnh cho tôm nuôi nhằm hạn chế khả năng kháng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị bệnh lâu dài. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng các chất phụ gia (men tiêu hóa, thuốc bổ gan, dầu mực…) sẽ làm tăng chi phí cho vụ nuôi, nếu sử dụng không đúng cách đôi lúc còn gây ảnh hưởng không tốt đến tôm nuôi.
4/ Sử dụng vôi CaCO3, Dolomite (liều lượng 10 – 15 kg/1000 m2), chế phẩm vi sinh tạt quanh bờ, xuống ao nuôi trước và sau khi có mưa nhằm ổn định môi trường, hạn chế mầm bệnh trong ao nuôi. Tùy theo sức khỏe tôm nuôi, tình hình thời tiết, chất lượng nước ao nuôi bà con định lượng tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
5/ Đối với hình thức nuôi Quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến kết hợp: Khuyến cáo bà con nên duy trì mực nước trên mặt trảng vuông nuôi từ 0,8 – 1 m, mương bao: 1,2 – 1,5 m. Hạn chế việc mua con giống trôi nổi để thả nuôi. Tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật mà ngành chuyên môn đã khuyến cáo.
6/ Bà con nuôi tôm cần nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng bệnh cho tôm nuôi. Tuyệt đối không bơm xả nước trong ao tôm bị bệnh chưa qua xử lý triệt để ra môi trường xung quanh, cần khai báo với chính quyền địa phương nếu phát hiện trường hợp bơm sình ra kênh rạch để kịp thời xử lý, tránh mầm bệnh lây lan.