Hiệu quả thấy rõ
Mùa khô cũng là cao điểm thời vụ sản xuất muối của diêm dân Bạc Liêu. Muối được sản xuất theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng trình diễn mô hình sản xuất muối chất lượng cao ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) trong vụ mùa 2009 - 2010. Mô hình có 70 hộ nghèo tham gia trên diện tích 5ha, trong đó sân trải bạt là 0,5ha. Qua hơn 4 tháng thực hiện, kết quả cho thấy, sản lượng muối cao gấp 2 -2,5 lần cách làm truyền thống. Cụ thớ: đợt 1, sau 7-8 ngày phơi nước, diêm dân thu được 12 tấn/ha, trong khi sân đất là 4,5 tấn, tăng 7,5 tấn/ha. Đợt 2, sau 4-5 ngày phơi nước, thu hoạch 7 tấn/ha, cao hơn sân đất 5 tấn. Qua hai đợt, sân bạt thu được 19,33 tấn, sân đất chỉ thu 6,55 tấn.
Anh Trịnh Văn Tuấn, diêm dân tham gia mô hình cho biết: “So với cách làm truyền thống, làm muối bằng phương pháp trải bạt cho hiệu quả cao hơn nhiều. Mô hình này muối kết hạt nhanh, năng suất lại tăng gấp 3 – 4 lần, chỉ tốn khâu cải tạo ban đầu, xong đợt cào mình chỉ cần rửa lại bạt rồi thả”.
Tìm hướng nhân rộng
Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu, Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Hòa Bình đã tổ chức mở lớp tập huấn, hướng dẫn cách làm sân, trải bạt, pha hỗn hợp keo dán, thu hoạch muối trên sân và bảo quản vật tư để phục vụ cho vụ mùa sau. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn giúp đỡ diêm dân về kỹ thuật, cung cấp thông tin diễn biến thời tiết và những kinh nghiệm mới.
Phương pháp làm muối hiện đại này nhận được sự ủng hộ cao của địa phương, nhất là diêm dân. Họ đều có ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; đồng thời tự đầu tư thực hiện một số công việc khác ngoài vốn hỗ trợ của Nhà nước. Anh Ngô Văn Mứng, thành viên tổ hợp tác sản xuất muối chất lượng cao tại xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Mặc dù chưa sản xuất, nhưng chỉ qua tham quan, trao đổi và dự các buổi tập huấn của cán bộ kỹ thuật, chúng tôi ai cũng nôn nóng đợi đến ngày sản xuất ra hạt muối đầu tiên nhờ áp dụng công nghệ này...”.
Đa số ý kiến cho rằng, mô hình đã mang lại hiệu quả thông qua việc tăng năng suất, chất lượng (muối trắng, khô, chắc hạt). Sau mỗi đợt thu hoạch không phải cải tạo sân, tiết kiệm được chi phí, thời gian sản xuất và thu nhập cao hơn. Không những thế, muối trải bạt giá bán cao hơn muối sản xuất trên sân đất từ 150 - 200 đồng/kg. Hộ nghèo được chuyển giao kỹ thuật có thể từng bước áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất muối chất lượng cao theo phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh.
Tuy nhiên, hiện giá bạt nhựa PVC Sheet tương đối cao, khoảng 38.000 đồng/m2, gây khó khăn cho việc đầu tư của bà con, nhất là diêm dân nghèo. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp vật tư, thu mua, chế biến muối trong và ngoài tỉnh, công nghệ kỹ thuật sản xuất muối chất lượng cao sẽ khó đến với hộ nghèo. Anh Nguyễn Văn Minh, Trưởng ấp Danh Điền, xã Điền Hải cho biết: “Sau khi diêm dân ở ấp tiếp thu kỹ thuật mới, họ rất muốn áp dụng nhưng chi phí cao, ngoài khả năng của những hộ dân nghèo không có vốn sản xuất”.
Nếu diêm dân biết tận dụng cơ hội, sử dụng tốt kỹ thuật công nghệ mới và được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ, chắc chắn giá trị của hạt muối Bạc Liêu sẽ còn cao hơn.