Định hướng phát triển Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020: Giá trị sản xuất thủy sản, nông, lâm nghiệp theo giá so sánh 2010 đạt 34.079,18 tỷ đồng (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 3,19%/năm), theo giá hiện hành đạt 53.121,14 đồng (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 5,51%/năm). Giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 đạt 11.532,08 tỷ đồng (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 2,99%/năm); theo giá hiện hành đạt 22.966,35 đồng (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 4,91%/năm). Tổng sản lượng thủy sản 370.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 4,99%/năm); trong đó, sản lượng tôm 147.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 4,39%/năm); cá và thủy sản khác 223.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 5,38%/năm). Diện tích nuôi trồng thủy sản 137.612 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 1,0%/năm). Sản lượng nuôi trồng thủy sản 250.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 6,31%/năm), trong đó sản lượng tôm 135.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 5,24%/năm); cá và thủy sản khác 115.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 7,60%/năm). Số tàu thuyền đánh bắt 1.400 phương tiện (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 5,38%/năm), tổng công suất 230.000 CV, tổng số thuyền viên 10.000 người. Sản lượng thủy sản khai thác 120.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 2,49%/năm); trong đó sản lượng tôm 12.000 tấn; cá và thủy sản khác 108.000 tấn. Diện tích canh tác lúa 93.409 ha, diện tích gieo trồng lúa 196.120 ha; sản lượng lúa 1,10 triệu tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 1,15%/năm). Đối với các cây trồng khác (cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả, v, v, …) quy mô 27.522 ha, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh. Về phát triển chăn nuôi: Đàn heo 290 ngàn con (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 3,85%/năm), đàn gia cầm 3 triệu con (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 3,71%/năm); sản phẩm thịt hơi các loại 47.462 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 3,97%/năm), trứng gia cầm 70 triệu quả (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 3,52%/năm). Diện tích lâm phần 8.301,3 ha (trong đó khu vực bãi bồi 3.603 ha); diện tích có rừng 4.539 ha (trong đó khu vực bãi bồi 1.363 ha); độ che phủ của rừng và cây lâu năm đạt 13,05% diện tích tự nhiên. Diện tích sản xuất muối 2.500 ha, sản lượng muối 180.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 3,16%/năm), trong đó sản lượng muối trắng 117.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 7,52%/năm).

Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty cổ phần Việt Úc Bạc Liêu
Tầm nhìn đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021- 2030: 4,55%/năm. Sản lượng thủy sản đạt 450.000 tấn (trong đó tôm 200.000 tấn, cá và thủy sản khác 250.000 tấn). Sản lượng lúa đạt 1.165.000 tấn. Sản lượng muối đạt 200.000 tấn (trong đó muối trắng 120.000 tấn). Nâng tỉ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 16,5% diện tích tự nhiên.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới Ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như sau:
Rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch ngành và các quy hoạch sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng các quy hoạch; quy hoạch theo hướng thị trường mở. Hướng dẫn nông, ngư dân tuân thủ quy hoạch sản xuất, khung Lịch thời vụ sản xuất và Quy trình sản xuất của ngành khuyến cáo để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và người dân về trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tiếp cận được các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước.
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn, các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh với quy mô 30.000 ha (tương đương 18.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản). Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi. Xúc tiến đầu tư xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình và xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu; xây dựng Trung tâm Giống thủy sản nước lợ và Trung tâm Nghiên cứu thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu; xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khôi phục sản xuất và giảm tổn thất trong nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể), khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, nuôi khép kín trong nhà kính, coi đây là “điểm nhấn” trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản; đồng thời đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng chương trình giám sát vùng nuôi chặt chẽ; thực hiện tốt công tác dự báo môi trường, dự báo dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh; từng bước xây dựng, phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển; huy động mọi nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; tổ chức sắp xếp lại ngành nghề khai thác phù hợp với từng vùng khai thác, cơ cấu hợp lý đội tàu khai thác vùng lộng, tăng năng lực khai thác vùng khơi, hướng dẫn chuyển đổi một số nghề khai thác gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản sang đánh bắt xa bờ hoặc chuyển đổi ngành nghề khác; tổ chức sản xuất theo tổ, đội khai thác kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển và thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển, tiếp tục xây dựng các khu neo đậu tránh trú, bão cho tàu thuyền và xây dựng các cảng cá, bến cá; hiện đại hóa các cơ sở chế biến thủy sản.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và khung Lịch thời vụ; ổn định vùng chuyên trồng lúa nước, nhưng có sự chuyển dịch mô hình 03 vụ lúa ở các khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt sang mô hình 02 vụ lúa + 01 vụ màu, phát triển các loại màu trên đất ruộng sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển ổn định diện tích trồng lúa trên đất tôm - lúa gắn với đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lúa theo VietGAP; xây dựng và hoàn chỉnh Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (măng tây, ngò rí lấy hạt và các loại rau, củ, quả khác) trên cơ sở triển khai việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất và phân tích mối nguy (HACCP) trong tất cả các khâu của quá trình “từ trang trại đến bàn ăn” để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện điều tiết nước hợp lý, linh hoạt gắn với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng; từng bước triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 30 ngàn ha và vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 1,35 ngàn ha, vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh 0,5 ngàn ha; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các Công ty Lương thực trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện chủ trương liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 30 - 40% diện tích gieo trồng lúa vào năm 2020 và đạt khoảng 70 - 80% vào năm 2030; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt, nhất là các sản phẩm chủ lực (lúa, gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả an toàn sinh học).
Phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, gây nuôi động vật hoang dã theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, chú trọng phát triển các loài vật nuôi mới có tiềm năng như chim yến, cá sấu; nhanh chóng chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình trong các khu dân cư tập trung sang phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại an toàn sinh học ngoài khu dân cư. Xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng. Đẩy mạnh thực hiện trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển và trồng rừng trên các khu vực bị sạt lở, trồng các loại cây đa tác dụng, đa mục tiêu; tích cực vận động, khuyến khích nhân dân trồng rừng phía trong đê biển ở những nơi có điều kiện, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Tăng cường công tác quản lý, giám sát kỹ thuật trong việc đầu tư trồng và chăm sóc cây xanh đô thị; phát triển ổn định diện tích trồng cây lâu năm, tích cực vận động nhân dân trồng cây phân tán, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao độ che phủ, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức sản xuất muối theo quy hoạch và khung Lịch thời vụ, chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang phương thức sản xuất muối trắng, ổn định địa bàn và diện tích sản xuất muối tập trung; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, hướng dẫn diêm dân áp dụng Quy trình sản xuất muối chất lượng cao kết tinh trên bạt PVC; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đồng muối, ưu tiên đầu tư xây dựng vùng sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao 1,5 ngàn ha nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nghiên cứu các sản phẩm phụ từ đồng muối (nước ót phục vụ sản xuất tôm giống) để đa dạng hóa sản phẩm; giữ vững chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu muối ăn Bạc Liêu trong và ngoài nước. Nhân rộng mô hình sản xuất muối chất lượng cao – nuôi trồng thủy sản; muối + Artemia để tăng thu nhập trên đơn vị sản xuất và cải thiện đời sống diêm dân.
Tổ chức lại sản xuất và tích cực chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông, ngư dân, nhất là việc chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hỗ trợ phát triển thị trường, đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Tạo điều kiện, phát huy vai trò của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Khuyến khích, nhân rộng các hình thức sản xuất phù hợp, có hiệu quả trong nông nghiệp (HTX, tổ, đội sản xuất, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình).
Tăng thu nhập cho người sản xuất trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer tham gia vào quá trình tăng trưởng nông, lâm, ngư, diêm nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho cư dân nông thôn.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, đánh giá tác động qua lại và tranh chấp tiềm năng giữa các lựa chọn trong khai thác tài nguyên để sử dụng hợp lý tài nguyên (đất đai, nguồn nước, lao động, vốn đầu tư, khoa học và công nghệ, v, v, ...); giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác các nguồn lực cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tăng cường áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề; khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.
Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở thí, thực nghiệm giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản, phân tích chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, xét nghiệm dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản, kiểm định giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; phát triển nhanh các Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học, công nghệ ở các huyện, thị xã, thành phố; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giống cây trồng, vật nuôi và công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh./.