Qua 05 năm (2011 - 2015) thực hiện Chương trình MTQG XDNTM trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện Chương trình MTQG XDNTM đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong tỉnh. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó 08 xã đã được công nhận, trung bình toàn tỉnh đạt 13,33 tiêu chí/xã (tăng 7,61 tiêu chí so với năm 2010), bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện (thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2015 đạt 25,62 triệu đồng, tăng 27,79 % so với năm 2011), tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Ảnh minh họa
Để đạt được kết quả trên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực; đặc biệt đã hình thành được bộ máy chỉ đạo và quản lý Chương trình đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở, các cấp, các ngành là yếu tố quan trọng để thực hiện chương trình theo đúng hướng, kế hoạch và đạt tiến độ đề ra. Tổng số cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp là 4.885 người (cấp tỉnh 48 cán bộ; cấp huyện, thị xã, thành phố 325 cán bộ; cấp xã là 1.455 cán bộ; Ban phát triển ấp là 3.057 người).
Trong đó, công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới luôn được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm thực hiện hàng năm; với hình thức đào tạo, tập huấn theo phương pháp tập trung nghe giảng, thảo luận, giải đáp thắc mắc tại lớp có công cụ trực quan bằng trình chiếu, video clip và ví dụ minh họa thực tế ở địa phương, v, v, ... trang bị các kiến thức cơ bản chung về Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; cách thức tổ chức triển khai, quản lý và điều phối thực hiện chương trình. Tùy theo đặc thù mỗi cấp được đào tạo kiến thức chuyên sâu thêm một số lĩnh vực cần thiết: Đối với cán bộ cấp tỉnh kiến thức về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện chương trình, cơ chế huy động nguồn lực; qui định định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện công trình có sự tham gia của cộng đồng phục vụ sản xuất và dân sinh; công tác theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện. Đối với cán bộ cấp huyện đào tạo thêm kiến thức về chỉ đạo theo dõi, báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương. Đặc biệt, đối với cán bộ cấp xã là cấp trực tiếp triển khai thực hiện chương trình. Do đó, ngoài lượng kiến thức cơ bản chung được trang bị, còn kết hợp đào tạo thêm kiến thức cụ thể để thực hiện, như: Triển khai lập quy hoạch nông thôn mới cấp xã, cách thức lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, quy trình triển khai thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ, dự án phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân nông thôn, quy chế dân chủ ở cơ sở và sự tham gia của cộng đồng trong việc tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Tổ chức họp dân, tổng hợp ý kiến, lập kế hoạch, giám sát đầu tư, cơ chế giám sát cộng đồng. Nội dung đào tạo giúp đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp thông thạo trong chỉ đạo, quản lý điều hành chương trình. Qua 05 năm (2011-2015), Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG XDNTM tỉnh phối hợp với Trường Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Chính trị Châu Văn Đặng, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức được 106 lớp tập huấn, đào tạo cho 6.957 lượt cán bộ, chủ yếu là cán bộ cấp xã và Ban nhân dân ấp.
Hiệu quả của công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới đã được phát huy rõ nét trong thực hiện chương trình: Với phương trâm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở đã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực thực hiện chương trình; người dân nông thôn đã tự nguyện hiến đất, ngày công, vật tư, v, v, ... cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình công cộng dân sinh và phục vụ sản xuất; tự thực hiện các công trình xây dựng hàng rào, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng gia đình văn hóa nông thôn mới, đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, v, v, ... Đồng thời, công tác đào tạo, tập huấn cán bộ đã giúp nâng cao chất lượng triển khai các nội dung Chương trình, tiết kiệm được nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; chia sẻ những kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới từ các địa phương khác nhau trong tỉnh.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn như:
- Việc đào tạo, tập huấn với thời gian ngắn (từ 2-3 ngày) và cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới luôn biến động, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nhất là cấp cơ sở (có sự thay đổi trong vị trí công tác) nên các kiến thức được trang bị mang tính chấp vá, thiếu tính liên tục, nhất là việc cập nhật các văn bản hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi của Trung ương, tỉnh còn chậm. Do đó, quá trình tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời, chưa thông suốt và chính xác; tài liệu phục vụ tập huấn, đào tạo của Trung ương ban hành còn thiếu, chậm sửa đổi bổ sung đồng bộ.
- Đội ngũ báo cáo viên chủ yếu là cán bộ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa qua lớp đào tạo chuyện môn, nghiệp vụ sư phạm nên còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm truyền đạt, ít có sự tương tác giữa báo cáo viên và học viên; chưa thực hiện kiểm tra sau tập huấn thông qua viết bài thu hoạch, chưa tổ chức các đợt tham quan một số nơi khác; không đủ thời gian hướng dẫn thực hành trong một số nội dung quan trọng như: Xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng dự án phát triển cộng đồng, cách thức vận động người dân tham gia đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, v, v, …
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn cán bộ xây dựng nông thôn mới, chuyển đào tạo từ chiều rộng sang chiều sâu, giúp đội ngũ cán bộ thật sự giỏi về chuyên môn, am hiểu địa phương biết vận dụng và khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn lực để thực hiện chương trình. Giai đoạn 2016 – 2020, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã, đặc biệt là cán bộ cấp xã, vừa là người triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới đến người dân, vừa là người trực tiếp thực hiện. Thực tiễn từ triển khai các lớp bồi dưỡng cho thấy: Nơi nào, địa phương nào cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo chủ chốt nhận thức sâu sắc và có tinh thần chỉ đạo quyết liệt thì công tác bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả càng cao; đội ngũ cán bộ được trang bị đầy đủ kiến thức để tổ chức thực hiện mục tiêu chương trình; đồng thời là hạt nhân tuyên truyền có sức lan tỏa và đầy tính thuyết phục nhất.
Thứ hai, do trong giai đoạn tới việc đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới đáp ứng những yêu cầu mới, bám sát thực tiễn, lấy kinh nghiệm từ thực tiễn bổ sung lại lý thuyết. Vì vậy, bộ tài liệu cũng cần được thường xuyên chỉnh lý, bổ sung theo hướng cập nhật các chủ trương, chính sách mới; tinh giản về nội dung, giảm bớt một số chuyên đề, rút ngắn thời lượng từng chuyên đề và thời gian cho mỗi khóa bồi dưỡng; phát triển lý thuyết mới từ kinh nghiệm thực tiễn; thay đổi cách thức tổ chức các lớp, thay đổi phương pháp truyền đạt, v, v, ... cho phù hợp.
Thứ ba, sử dụng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh với đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo như: Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, hệ thống các Trường Giáo dục và dạy nghề; xây dựng Chương trình đạo tạo cần tham khảo Chương trình đào tạo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cho phù hợp với thực tế và yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình./.